Will Durant
Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG III
CÁC NHÀ THEO CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CÁC NHÀ CHỦ
TRƯƠNG VÔ CHÍNH PHỦ
Hai thế kỉ sau khi Khổng tử mất là những thế kỉ tranh biện, tà giáo. Thấy
cái thú của triết lí rồi, vài nhà như Huệ tử và Công Tôn Long giỡn với khoa
luận lí, nghĩ ra những điều nghịch lí, nguỵ biện không kém gì Zénon
Các triết gia đổ xô lại Lạc Dương như ở Ấn Độ và Hi Lạp, họ đổ xô về
Bénarès và Athènes cũng vào thời đại ấy. Ở Lạc Dương cũng như ở
Athènes người ta được tự do tư tưởng, tự do ngôn luận nhờ vậy mà Athènes
thành trung tâm văn hóa của miền Địa Trung Hải. Các nhà nguỵ biện mà
người ta gọi là “tung hoành gia”, ùa lại kinh đô, sẵn sàng dạy nghệ thuật
thuyết phục về bất kì đề tài gì, cho bất kì ai. Ở Lạc Dương chúng ta cũng
gặp Mạnh tử, môn đệ của Khổng tử; Trang tử, môn đệ nổi danh nhất của
Lão tử; Tuân tử người chủ trương thuyết tính ác; và Mặc tử người lập ra
thuyết kiêm ái.
1. Mặc Địch, người vị tha
Một nhà luận lí thời cổ - Có tinh thần Ki Tô và đả đảo chiến tranh
Mạnh tử, kẻ thù của Mặc tử, bảo: “Mặc tử lấy kiêm ái làm chủ nghĩa, dầu
nhẵn trán mòn gót
mà lợi cho thiên hạ thì cũng làm” [Tận tâm, thượng –
26]. Mặc Địch cũng sanh ở Lỗ như Khổng tử và sau khi Khổng mất được ít
lâu thì danh của Mặc lên tới tột đỉnh. Ông chê đạo của Khổng tử không thi
hành được và đưa ra thuyết kiêm ái [yêu mọi người như nhau, không kể