rồi là hết; con người bất lực, bị những sức mạnh thiên nhiên mù quáng đày
đoạ; mình sinh ra không do mình muốn, mình không được lựa chọn cha
mẹ, ông bà, thể chất, tinh thần, tính tình bẩm sinh ra sao thì mình phải chịu
vậy. Bậc hiền nhân phải nhận số phận của mình, đừng than van, mà cũng
đừng để Khổng tử, Mặc tử lừa gạt bằng những thuyết hảo huyền của họ về
tính thiện, về kiêm ái, về danh vọng. Thuyết tính thiện là do bọn khôn lanh
bịa ra để gạt bọn chất phác; kiêm ái là ảo tưởng của bọn con nít không hiểu
rằng luật tàn sát lẫn nhau mới chính là luật sinh tồn; còn danh vọng chỉ là
món đồ chơi. Khi mình chết rồi, hưởng được gì đâu, kẻ nào điên mới chịu
trả nó một giá đắt. Trong đời, người thiện cũng đau khổ như kẻ ác, mà bọn
này lại có vẻ được hưởng lạc nhiều hơn. Các thánh nhân thời cổ không phải
là các ông vua đạo đức như Khổng tử tưởng đâu, chính là bọn ham khoái
lạc, chìm đắm trong nhục dục, may mắn được sống vào cái thời chưa có
những người lập pháp, chưa có triết gia, và họ nhờ vậy có thể thoả tình
hành lạc. Nói cho ngay, bọn tàn ác lưu lại tiếng xấu cho đời sau thật đấy,
nhưng như vậy có hại gì cho nắm xương khô của họ đâu. Dương Chu bảo
ta thử xét số phận của người thiện và người ác ra sao:
Mọi tiếng tốt đẹp trong thiên hạ đều dồn cả cho vua Thuấn, vua Vũ, Chu
công, Khổng tử; còn mọi tiếng xấu qui cả cho Kiệt và Trụ. Vua Thuấn cày
ruộng ở Hà Dương, làm đồ gốm ở Lôi Trạch, chân tay không lúc nào nghỉ,
miệng không được ăn thức ngon, không được cha mẹ yêu, anh em quí mến
(…)
, khi vua Nghiêu truyền ngôi cho thì tuổi đã cao, trí đã suy. Con
trai ông ta là Thương Quân bất tài, ông phải nhường ngôi cho ông Vũ rồi
rầu rĩ cho tới chết. Ông ta là con người khốn khổ, cô độc nhất đời.
(…) Ông Vũ phải đem hết sức ra khai hoang, có con mà không âu yếm, săn
sóc con, đi qua nhà mà không vô, thân thể khô đét, tay chân chai cộm, đến
khi được vua Thuấn truyền ngôi cho, sống trong cung thất tồi tàn, đeo dây
thao, đội mũ miện đẹp mà rầu rĩ tới chết. Ông ta là con người lo lắng, lao
khổ nhất đời.