tặng được, tuy bị người đời chê hay khen thì cũng không biết, trơ trơ khác
chi khúc cây, cục đất.
Bốn ông Thánh kia tuy được dồn cho mọi tiếng tốt, nhưng chịu khổ cho tới
hết đời, rồi cũng chết như mọi người vậy. Hai kẻ hung bạo kia phải chịu
mọi tiếng xấu, nhưng được vui cho tới hết đời, rồi cũng chết như mọi người
vậy
.
Thật khác xa Khổng tử! Chúng ta muốn tưởng rằng thời gian vốn phản
động [?] chỉ lưu lại cho chúng ta những triết gia Trung Hoa đáng kính trọng
nhất, còn những nhà khác, thì bị chôn vùi trong cõi u minh không ai nhắc
tới nữa. Ấy vậy mà có lẽ thời gian có lí: nhân loại không thể tồn tại lâu
được nếu môn đệ của Dương Chu rất đông
. Chúng ta chỉ có thể đáp
Dương Chu rằng không thể có xã hội được nếu mỗi cá nhân không hợp tác
với những người đồng thời và trong sự trao đổi với nhau những điều hay
cách tốt phải hi sinh cho nhau, chia lợi cùng nhau, mà muốn vậy thì cần có
một sự câu thúc về luân lí; không có xã hội thì cá nhân không thể phát triển
được; đời sống của ta tuỳ thuộc những bức rào cản nó bao vây ta đó. Vài sử
gia cho rằng xã hội Trung Hoa tan rã ở thế kỉ thứ IV và thứ III trước T.L.,
một phần tại thuyết vị kỉ của Dương Chu đó được nhiều người theo quá.
Cho nên chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên rằng Mạnh tử cực phẫn nộ,
lớn tiếng đả đảo cả thuyết hưởng lạc của Dương Chu lẫn thuyết kiêm ái duy
tâm của Mặc Địch:
Học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch lan tràn thiên hạ, khi bàn bạc
người nào không theo Dương thì theo Mặc. Họ Dương vị ngã, như vậy là
không có vua; họ Mặc kiêm ái, như vậy là không có cha; không vua, không
cha tức là cầm thú (…) Nếu không ngăn chặn hai đạo ấy thì đạo của Khổng
tử không được sáng tỏ, tà thuyết sẽ dối gạt dân, ngăn lấp đường nhân
nghĩa (…).