Ta vì lo sợ như vậy nên phải bênh vực đạo lí của chư thánh thời xưa, đả
đảo học thuyết của Dương và Mặc, trừ tuyệt những lời bậy bạ để tà thuyết
khỏi khơi lên (…). Nếu thánh nhân có sống lại, chắc cũng cho lời ta là phải
[Đằng Văn Công, hạ 9].
3. Mạnh tử, bậc thầy của các vua chúa
Một hiền mẫu – Một triết gia ở các triều đình – Bản tính con người có thiện
không? – Một thứ thuế duy nhất – Mạnh tử và cộng sản – Sự kích thích của
cái lợi – Quyền làm cách mạng.
Trong lịch sử triết lí rất phong phú của Trung Hoa, địa vị của Mạnh tử chỉ
kém Khổng tử thôi. Ông sinh trong một quí tộc cổ, họ Mạnh, tên Kha.
Chúng ta biết về thân mẫu ông cũng gần bằng biết về ông vì các sử gia coi
cụ là một bà mẹ kiểu mẫu, kể nhiều truyện lí thú về cụ. Họ bảo ba lần cụ vì
con mà đổi chỗ ở; vì lần đầu ở gần một nghĩa địa, cậu con bắt chước người
ta đào huyệt, làm lễ chôn cất; lần thứ nhì vì ở gần một lò sát sinh, cậu bắt
chước tiếng kêu của các con vật bị thọc tiết; lần thứ ba vì ở gần chợ, cậu
cũng bắt chước thói con buôn; sau cùng kiếm được một nơi ở gần trường
học, cụ mới yên tâm. Khi cậu làm biếng học, cụ cắt sợi chỉ ở cái thoi cho cụ
thấy, cậu hỏi tại sao, cụ đáp đương học mà bỏ học thì cũng như đương dệt
mà cắt sợi chỉ. Sau cậu thành một học sinh rất siêng năng, lập gia đình,
định li dị rồi tự chủ được, lại thôi, mở trường dạy học, môn sinh đông, và
được nhiều vua chúa đương thời mời tới triều đình để hỏi về cách trị nước.
Ông do dự, không muốn nhận lời họ vì không muốn xa mẹ, lúc đó đã già
lắm, nhưng cụ khuyên ông cứ đi. Lời khuyên ấy – chép lại dưới đây – làm
cho mọi người đàn ông Trung Hoa đều ngưỡng mộ cụ; nhưng có lẽ không
phải của cụ mà của một người đàn ông nào thời sau nguỵ tác rồi gán cho