Năm 1593, Nguyễn Hoàng đem quân ra Đông-đô giúp Trịnh Tùng đánh
dẹp những dư đảng của họ Mạc, lập được nhiều công. Trịnh Tùng có ý ghen
ghét.
Năm 1.600, nhân bọn Phan Ngạn, Ngô đình-Hàm, Bùi văn-Khuê khởi
binh chống lại họ Trịnh ở cửa Đại-an (Nam-định) vì họ Trịnh quá kiêu-hãnh,
Nguyễn Hoàng mới kéo cả tướng sĩ giả cách đi đánh giặc, rồi theo đường bể
vào Thuận-hóa. Một mặt đem con gái là Ngọc-tú gả cho Trịnh Tráng (con
trai Trịnh Tùng) làm bộ hòa hiếu cho Trịnh Tùng khỏi để ý nghi ngờ, một
mặt cho con trai thứ sáu vào trấn đất Quảng-nam, dựng kho tàng tích trữ
lương thực, lập ra nghiệp Chúa ở xứ Nam, lưu truyền đời nọ qua đời kia :
Nguyễn Hoàng (1600-1613) ; Nguyễn phúc-Nguyên (1613-1635) ; Nguyễn
phúc-Lan (1635-1648) ; Nguyễn phúc-Tần (1648-1687) ; Nguyễn phúc-Trăn
(1687-1691) ; Nguyễn phúc-Chu (1691-1725) ; Nguyễn phúc-Trú (1725-
1738) ; Nguyễn phúc-Khoát (1738-1765).
Nguyễn phúc-Khoát mất, thì Định-vương Nguyễn phúc-Thuần lên thay,
để Trương phúc-Loan chuyên quyền hại dân, cho Tây-sơn có cơ-hội khởi
nghĩa… (quyển III sau sẽ nói đến).
BÀI 15 : NGUYỄN TRỊNH CHIẾN TRANH
Năm 1613, lúc sắp mất, Nguyễn Hoàng gọi người con thứ 6 là Nguyễn
phúc-Nguyên, tức gọi Chúa Sãi, mà dặn rằng : « Đất Thuận-Quảng này phía
bắc có núi Hoành-sơn, sông Linh-giang, bên nam có núi Hải-vân và Bí-sơn,
thật là nơi trời cổ vũ cho người anh-hùng dụng võ. Vậy ta phải thương yên
nhân dân, luyện tập quân sĩ mà gây dựng cơ-nghiệp về muôn đời ».
Vậy là từ khi Nguyễn Hoàng mất, Nguyễn phúc-Nguyên ngấm ngầm
chuẩn bị ở phía Nam để gây thế lực, trong khi họ Trịnh lấn quyền vua Lê ở
ngoài Bắc. Càng thấy Trịnh hống-hách bao nhiêu, Nguyễn càng căm thù mà
chuẩn-bị chiến tranh bấy nhiêu, vì chính tổ tiên Nguyễn (Nguyễn Kim nói
trên, bài 9) mới thực là người gây ra nền tảng nhà Lê trung hưng kia mà !