Khi những đồn lũy đã kiên cố, binh lương đã đầy đủ, chúa Sãi mới ra
mặt không thần phục họ Trịnh nữa, và sai tướng chiếm lấy nam Bố-chính
(đất phía nam sông Linh-giang) để làm chỗ chống giữ. Từ đó Trịnh Nguyễn
đánh nhau tai hại trong 45 năm.
Năm 1627, Trịnh Tráng cho quan vào Thuận-hóa giả tiếng nhà vua sai
vào đòi tiền thuế. Chúa Sãi không nộp. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc vua
Lê vào dụ chúa Sãi cho con ra chầu và lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền
để đưa đi cống nhà Minh. Chúa Sãi cũng không chịu. Trịnh Tráng bèn cất
quân vào đánh Chúa Nguyễn. Nhưng không thắng nổi Nguyễn, Trịnh lại rút
quân về Bắc. Năm 1630, chúa Nguyễn đưa quân ra đánh Trịnh ở phía nam
sông Linh-giang, mà Chúa Trịnh thì dẫn binh vào đánh Nguyễn ở cửa Nhật-
lệ. Năm 1634 Trịnh vào đánh Nguyễn ở đất nam Bố-chính giết được tướng
Bùi công-Thắng rồi tiến quân đến cửa Nhật-lệ. Năm 1648, lại vào đánh ở
nam Bố-chính và cửa Nhật-lệ. Lần này Trịnh thua to, Nguyễn bắt được mấy
tướng và 3.000 quân của Trịnh. Năm 1655, Nguyễn cho quân ra đánh đất
bắc Bố-chính, tướng của Trịnh là Phạm tất-Toàn về hàng. Lần này Nguyễn
thu được 7 thuyền ở phía nam sông Linh-giang (tức sông Cả) nhưng rồi vì
các tướng nghi-kỵ lẫn nhau mà Nguyễn lại rút quân về. Năm 1661, quân
Trịnh qua sông Linh-giang đến làng Phúc-tự. Năm 1672, quân Trịnh vào phá
lũy Trấn-ninh.
Cả thảy Trịnh Nguyễn đánh nhau 7 lần trong 45 năm (từ năm 1627 đến
năm 1672) song cứ giằng-co không bên nào thắng bên nào. Rút cuộc đôi bên
đóng quân giữ thế thủ lấy sông Gianh làm giới hạn Nam Bắc, cho đến thời
kỳ Tây-sơn khởi nghĩa.
Xét qua nguyên-nhân đã làm cho đôi bên không phân thua được, ta
nhận thấy, ngoài Bắc, Chúa Trịnh cho phép các quan thu lợi của một số dân
làng, để tổ chức và nuôi quân đội. Số lợi thu được to nhỏ, tùy theo công lao
tổ chức quân đội nhiều hay ít. Cho nên các quan ai cũng gắng sức ganh đua
gây lực lượng. Cả một xứ, như vậy, là cả một tổ-chức vũ-bị lớn lao. Cho nên
thế Trịnh rất hùng cường. Chúa Trịnh có tới hơn 10 vạn lính, 500 voi, 500
chiến thuyền, mỗi chiếc có ít nhất 3 khẩu đại-bác.