Đối với Trịnh, Nguyễn yếu hơn nhiều. Cả thảy Nguyễn chỉ có 4 vạn
lính chia ra 15.000 giữ biên-thùy mạn bắc, 9.000 để ở trong triều, 6.000 làm
túc-vệ cho các ông Hoàng, 1.000 chia giữ các tỉnh.
Tuy nhiên chúa Trịnh đã không diệt nổi Nguyễn là vì mấy lẽ sau đây :
1. Quân họ Trịnh phải đi đánh xa xôi, vận tải khó khăn, còn nhà
Nguyễn phần nhiều chỉ giữ thế thủ ở đất mình.
2. Nhà Nguyễn tuy quân ít, nhưng giao-thiệp với người Bồ-đào-Nha
cho nên biết cách võ trang và luyện-tập quân đội được chỉnh-tề.
3. Nhà Nguyễn có tôi hiền phù tá, như Nguyễn hữu-Dật, Đào duy-Từ,
Nguyễn hữu-Tiến, đánh giặc rất giỏi, lập mưu định kế, xây thành đắp lũy.
Nguyễn hữu-Dật là người làng Gia-miêu, huyện Tống-sơn, tỉnh Thanh-
hóa, học rộng tài cao, và lại có tài hùng biện, đánh giặc giỏi, thật là một bực
văn võ kiêm toàn.
Đào duy-Từ, người làng Hòa-trai, huyện Ngọc-sơn, phủ Tĩnh-gia, tỉnh
Thanh-hóa. Vì ông là con nhà xướng hát cho nên không được đi thi. Ông
phẫn tức, đi vào phía nam tìm đường lập công. Chưa được người tiến cử,
ông vào chăn trâu cho một phú-gia ở làng Tùng-châu, phủ Hoài-nhân (nay là
Bình-định) và làm bài « Ngọa long cương » để ví mình với Gia-cát-Lượng.
Sau có quan Khâm-lý là Trần-đức-Hòa biết Duy-Từ có tài, đem về nuôi, gả
con gái cho, rồi đưa dâng Chúa Sãi. Chúa dùng làm Nội-tán, phong Lộc-kế-
hầu. Giúp chúa Nguyễn, Duy-Từ đã lập được nhiều công. Thành Trường-
dực đắp dài theo con sông nhánh của sông Nhật-lệ chừng 10 cây số, chân
rộng 6 thước, cao chừng 3 thước. Một bức thành to tát hơn nữa là thành
Đồng-hới, xây năm 1631, dài từ núi Dân-mân đến cửa Nhật-lệ, cao chừng 6
thước, dài chừng 18 cây số, phía ngoài đóng nhiều cọc lim, phía trong xây 5
bực cho voi ngựa đi lại, quãng 12, 20 thước lại có nhà để súng đại-bác. Công
cuộc xây dựng ấy đều của Duy-Từ.
Nguyễn hữu-Tiến là người Thanh-hóa, làng Vân-trai, huyện Ngọc-sơn,
võ nghệ tinh thông, dụng binh rất có kỷ luật, cũng là một tướng đã ghi được
nhiều công to đối với chúa Nguyễn.