Thày dòng Hòn-đất gần Hà-tiên, đất của người khách Mặc-cửu khai khẩn ra
đem phụ thuộc vào đất Gia-định của chúa Nguyễn. Khi Mạc cửu chết, sự cai
quản vùng Hà-tiên giao lại cho con là Mạc thiên-Tứ được chúa Nguyễn
phong cho chức Đô-đốc trấn Hà-tiên. Giám-mục Bá-đa-lộc giao thiệp thân
mật với họ Mạc là tay chân của chúa Nguyễn, cho nên đã quen Nguyễn-
vương mà giúp Nguyễn-vương trong khi chạy Tây-sơn.
Lần này gặp giám-mục Bá-đa-lộc, Nguyễn-vương được giám-mục bàn
nên sang cầu cứu nước Pháp, nhưng phải cho hoàng-tử đi làm tin mới được.
Nghe lời giám-mục Bá-đa-lộc, Nguyễn-vương giao Hoàng-tử Cảnh và
một tờ quốc-thư cho giám-mục Bá-đa-lộc sang xin viện binh với nước Pháp
; tờ quốc-thư có 14 khoản cả thảy, đại khái nói : « Nguyễn-vương giao toàn
quyền cho giám-mục Bá-đa-lộc sang nhờ nước Pháp giúp cho Nguyễn-
vương 1.500 quân, võ trang đầy đủ (khoản 6) ; Nguyễn-vương xin nhường
cho nước Pháp cửa Hội-an (Faifo) (khoản 8) và quần đảo Côn-lôn (khoản
10) ; cửa bể Đà-nẵng sẽ là đất chung cho cả Đại-việt lẫn Pháp, người Pháp
được tự do xây dựng trên cửa bể ấy, mỗi khi cần (khoản 4). Ngoài những
dân-tộc khác của phương tây, người Pháp riêng được đặc quyền buôn bán
trên đất nước của Nguyễn-vương (khoản 11) ; nếu nước Pháp có chiến tranh
với một nước nào, bất luận ở Âu-châu hay Viễn-đông, Nguyễn-vương chịu
giúp nước Pháp quân đội, tầu bè và lương thực (khoản 8) ». Nguyễn-vương
còn cẩn thận nói trong khoản 4 và 5 của quốc-thư : « để nước Pháp tin lòng
thành-thực của Nguyễn-vương trong sự « cầu viện », Nguyễn-vương phải
cho người « con một » và là « Đông-cung » tức hoàng-tử Cảnh đi theo giám-
mục Bá-đa-lộc với cả quốc-ấn nữa. Hoàng-tử Cảnh đi, sẽ có hai quan Cai-cơ
là Nguyễn văn-Liêm, và quan phó-vệ-uý Phạm văn-Nhân theo hộ vệ ».
Mọi việc sắp đặt xong rồi, nhưng trái mùa gió, cho nên giám-mục Bá-
đa-lộc và hoàng-tử Cảnh chưa khởi hành sang Pháp. Trong lúc này Nguyễn-
vương lại nảy tứ muốn nhờ nước Tiêm-la.
BÀI 30 : NGUYỄN HUỆ PHÁ QUÂN TIÊM LA