Khi Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ vào đánh lấy Gia-định năm 1783, mà
Nguyễn-vương thua, phải lưu lạc trên các đảo trong vịnh Tiêm-la, thì tướng
Chu văn-Tiệp chạy thẳng sang cầu cứu với vua Tiêm-la.
Tháng 2 năm sau (1784), vua Tiêm-la sai tướng Chất-xi-đa đem thuỷ
quân sang Hà-tiên tìm Nguyễn-vương, và mời về bàn việc ở Vọng-các
(Bangkok).
Vua Tiêm-la tiếp đãi Nguyễn-vương rất hậu, và sai hai tướng là Chiêu-
tăng, Chiêu-sương đem 2 vạn quân cùng 300 chiếc thuyền theo giúp
Nguyễn-vương đánh Tây-sơn.
Quân Tiêm-la sang đánh mấy trận đầu, lấy được Rạch-giá, Ba-thác,
Trà-ôn, Mân-thít, Sa-đéc. Chu văn-Tiệp bị thương nặng mà mất trong trận
Mân-thít. Từ đấy, quân Tiêm-la ỷ thế, đi đến đâu quấy nhiễu đến đấy, gây
oán hận ngoài dân chúng.
Tướng của Tây-sơn giữ Gia-định hồi này là Trương văn-Đa, thấy quân
Tiêm-la sang đánh phá, khí thế hăng hái, bèn sai người về Qui-nhân phi báo.
Vua Tây-sơn lập tức cử Nguyễn-Huệ cất binh vào chống giữ.
Vào đến đất Gia-định, Nguyễn Huệ nhử quân Tiêm-la đến gần Rạch-
gắm và Xoài-mút ở phía trên Mỹ-tho, rồi cho quân mai phục đổ ra đánh phá
quyết liệt, giết địch rất nhiều, chỉ còn sống sót vài nghìn, chạy theo rừng núi
trốn về Tiêm-la.
Phá xong quân Tiêm-la, Nguyễn Huệ đem quân đuổi đánh Nguyễn-
vương. Nguyễn-vương kiệt lực chống Tây-sơn, cùng mấy người chạy về
Trấn-giang, ra đảo Thổ-châu, qua đảo Cổ-cốt, rồi sang Tiêm-la.
Bình Gia-định rồi, Nguyễn Huệ để đô đốc Đặng văn-Châu ở lại giữ,
đem quân về Qui-nhân.
Lúc này, Nguyễn-vương, nhận thấy người Tiêm-la không thể giúp Ngài
được để cứu vãn lại cơ-đồ, bèn giục giám-mục Bá-đa-lộc đem hoàng-tử
Cảnh sang Pháp cầu viện như đã định. Trong lúc đợi thời, Nguyễn-vương
cùng Vương-mẫu, cung quyến, lưu trú tại Tiêm-la.