IX. SUY ĐOÁN VỀ VIỆC THỦY-TINH DÂNG
NƯỚC, SƠN-TINH LÊN NÚI
Về nạn nước lụt ở đời thượng cổ, các kinh sách xưa cũng thường có
chép.
Sách Mạnh-tử nói đến nạn lụt ở đời Đường Nghiêu (2357-2256 tr. C.
n.) : « Đương đời Nghiêu, thiên hạ còn chưa yên, hồng thủy chảy ngang
ngửa, tràn ngập cả thiên hạ : cỏ cây um tùm, chim muông nhan nhản, ngũ
cốc mất mùa, cầm thú bức bách người ta ! Đường lối chân muông, móng
chim bừa bãi ở Trung quốc. » (Đằng văn công, thượng)
Và : « Đương đời Nghiêu, nước chảy ngang ngược, tràn ngập cả
Trung-quốc : rắn đậu, rồng ở ; dân không có chỗ định cư : chỗ thấp thì làm
tổ, chỗ cao thì làm hang. » (Đằng văn công, hạ).
Kinh Thượng thư, thiên Ích-tắc, có nhắc lại lời của Hạ Vũ (2205-
2198 tr. C. n.) : « Hồng thủy lụt trời, mông mênh tràn gò ngập núi, hạ dân
phải âm thầm chết đuối… »
Kinh-thánh Cựu-ước cũng có nói về nạn nước lụt ở đời Nô-ê : «
Nước lụt xảy có trên mặt đất… Các nguồn của vực lớn nổ ra, và các đập
trên trời mở xuống ; mưa sa trên mặt đất trọn bốn mươi ngày và bốn mươi
đêm… Nước lụt phủ mặt đất bốn mươi ngày… Nước càng dưng lên bội
phần trên mặt đất, hết thảy những ngọn núi cao ở dưới trời đều bị ngập…
Nước dưng lên trên mặt đất trọn một trăm năm mươi ngày. » (Sáng-thế ký,
đoạn 7).
Để thừa nhận nạn lụt ở đời thượng cổ, nhà học giả Thụy-điển,
J.Gunnar Andersson, có nói : « Ở Trung-quốc, tìm không ra những di tích
của đời đồ đá mới, ấy là do nạn nước lụt đã phá hoại. »
Nhà sử học Trung-hoa, Chu Cốc-Thành, cũng viết : « Nạn nước lụt ở
trong cõi Trung-quốc tịnh không phải bắt đầu từ đời nhà Hạ (2205-1784 tr.
C. n.) ; mà trước đời Hạ, nạn nước lụt đã có từ bao giờ rồi… »