Xem đó, nay ta có thể suy đoán rằng khoảng đời mà truyền thuyết gọi
là Lạc-long quân và Hùng vương tức Lạc vương thứ nhất ấy, ở ta có nạn
hồng thủy, những miền tiên dân đang ở đều ngập lụt, có rất nhiều rồng rắn
và thuồng-luồng. Để đối phó với thiên nhiên, tiên dân phải làm những
công-tác này :
1) Xăm mình để tự vệ
Bấy giờ có nạn nước lụt, tiên dân phải ở chung đụng với rồng rắn, vì
sự cần thúc đẩy, tất phải cắt tóc, phải xăm mình, tức như truyền thuyết đã
nói : « Vương bảo lấy mực vẽ xăm loài thủy quái vào mình-mẩy. »
Cách xăm mình ấy cũng cùng một công dụng như « màu sắc bảo hộ »
của loài động vật
, chỉ có ý nghĩa là làm thích ứng với hoàn cảnh để giữ
lấy mạng sống.
Những khi phải sinh sống bằng nghề chài lưới, xuống sông, xuống
nước bắt cá, mò cua, tiên dân cũng ứng dụng cái phương pháp « xăm mình
» đã rút kinh nghiệm trong nạn nước lụt ấy. Cho nên truyền thuyết mới nói :
« Từ đó, giao long trông thấy, không cắn hại nữa. »
Lối đó ta thấy người Cối-kê (nước Việt) xưa đã làm. Bằng chứng ở
Hán-thư, Địa lý chí chép về nước Việt : « Vua nước ấy là hậu duệ Hạ Vũ,
được phong ở Cối-kê, xăm mình, cắt tóc, để tránh nạn giao long làm hại. »
Nhà học giả Trung-hoa, Cố-Hiệt-Cương, có giải thích về sử sự ấy rằng : «
Miền Sở, Việt vì đất đai trũng thấp, có nạn nước đọng ngập lụt, nên phải
cần làm việc khơi tháo nước đọng ; vì cây cỏ rậm rạp, có nạn long xà hại
người, nên phải cần làm việc đốt rừng núi, xua rồng rắn. » (Cổ sử biện,
quyển I, trang 122-123).
Lối xăm mình đó lâu dần thành thói tục, truyền mãi đến đầu đời Trần,
nên bấy giờ quân và dân đều xăm hình rồng vào bụng, lưng và hai đùi vế
(Cương mục, quyển 8, tờ 29 a-b).