bệnh viêm phổi- màng phổi, bệnh lao của bò, và bệnh tả ở lợn vẫn là những vấn đề chính trong nông
nghiệp.
Trâu bò và ngựa bị tấn công bởi những bệnh như sốt làn sóng (brucellosis), bệnh cúm ngựa, bệnh viêm
họng có bọng nước, bệnh viêm tủy não ở ngựa vùng phía đông (Eastern equine encephalomyelítis), bệnh
sốt Potomac ở ngựa (do Neorickettsia risticii trước đây là Ehrlichia risticii gây bệnh) và bệnh loét mũi
truyền nhiễm (glanders). Những tiến bộ về phương tiện chuyên chở cũng như thương mại phát triển sau
chiến tranh đã làm cho bệnh tật phát tán càng nhanh hơn nữa.
Mặc dù sự phát triển của ngành điều dưỡng tại Mỹ là cả một câu chuyện phức tạp, Cuộc Nội chiến là
một biến cố đã làm thay đổi tình hình đối với hàng ngàn phụ nữ tham gia chăm sóc thương binh và các
hoạt động từ thiện trong chiến tranh. Các ghi chép đáng ghi nhớ về các bệnh viện quân đội, nỗi thống
khổ của thương bệnh binh và khối lượng công việc do các điều dưỡng nam nữ cáng đáng đã được các tác
giả nổi danh ghi lại, như Louisa May Alcott và Walt Whitman, và những người ít tiếng tăm hơn như Jane
Stuart Woolsey, tác giả quyển: Những ngày bệnh viện: Hồi ức của một điều dưỡng phục vụ Cuộc Nội
chiến (1868) để tả lại công việc một giám thị điều dưỡng trong một bệnh viện dã chiến của quân miền
nam gần Alexandria, Virginia. Alcott là một phụ tá điều dưỡng tại một khoa 40 giường trong một bệnh
viện vốn trước đó là khách sạn sau trận đánh đầu tiên tại Bull Run. Những câu chuyện về nỗi nhọc nhằn
của nhân viên bệnh viện khi chăm sóc cho các thương binh, cũng như những người mắc bệnh bạch hầu,
viêm phổi, thương hàn và các bệnh khác đã được in ra trong một tờ báo ở Boston dưới tiêu đề “Những
ghi chép từ Bệnh viện”.
BS Elizabeth Blackwell và các phụ nữ khác trong ngành y đã thành lập Hiệp hội phụ nữ Cứu trợ trung
ương và đã tổ chức các chương trình đào tạo điều dưỡng cho phụ nữ tại nhiều bệnh viện thuộc New York
City. Đa số phụ nữ không được đào tạo hoặc chỉ đào tạo qua loa, nhưng công việc giao cho họ cũng khá
đơn giản: tắm cho bệnh nhân, thay băng, thay drap mền sạch, chuẩn bị bữa ăn và cho bệnh nhân ăn, cho
bệnh nhân uống thuốc, viết và đọc thư cho họ.
Cái mà người ta mong đợi ở các điều dưỡng trong Cuộc Nội chiến là sự chăm sóc và an ủi cho bệnh
nhân thay vì sự hỗ trợ y tế, nhưng họ phải vất vả nhiều vì thiếu thốn về cứu trợ nhân đạo trong khi nỗi
đau khổ và mất mát sinh mạng do chiến tranh lại quá lớn.
Dorothea Lynde Dix (1802-1887), đã dâng hiến đời mình nhằm cải thiện việc điều trị cho người mất trí,
được bổ nhiệm là Tổng giám thị các điều dưỡng nữ năm 1861. Các trách nhiệm do Bộ trưởng Bộ Chiến
tranh giao cho Dix bao gồm việc tuyển dụng điều dưỡng cho quân đội, thăm viếng bệnh nhân tại bệnh
viện, phân phát đồ tiếp liệu, quản lý việc vận chuyển thương binh và nhiều thứ khác. Dù có chức vị chính
thức như thế, nhưng Dix lại không có thực quyền hoặc phương tiện để thực hiện các quy định và chỉ thị
của mình. Tiêu biểu là Dix yêu cầu điều dưỡng phục vụ trong chiến tranh phải là phụ nữ trung niên, vẻ
bên ngoài bình dị. Vì yêu cầu này, Dix không được lòng các bác sĩ quân đội, các phẫu thuật viên, các
điều dưỡng tình nguyện và các lãnh đạo của Ủy ban Vệ sinh Mỹ. Do những tranh chấp giữa Dix và Ủy
ban Vệ sinh về những lĩnh vực thẩm quyền trùng lặp, lãnh đạo của Ủy ban gọi bà là “bà cuồng làm từ
thiện” và là vật cản cho các nỗ lực chiến tranh. Louisa May Alcott cho biết, mặc dù Dix được coi như là
“một bà già tử tế”, nhưng các điều dưỡng lại nhận xét rằng bà ta “quá kỳ quặc, cầu kỳ và độc đoán”.
Không còn giữ được vị trí cũ như là một khuôn mẫu cao quý cho các cô gái Mỹ, Dix lại bị các sử gia