âm dương không còn hài hòa, và làm giảm nguyên khí (vital energy). Nói chung, gió gây ra sốt và rét
run, nhưng từng loại gió kết hợp với sự chuyển mùa sẽ dẫn tới những nguy hiểm nhất định.
Khi mối liên hệ hài hòa giữa thân và ý bị xáo trộn, bệnh có thể từ đó mà sinh ra.
Để tìm ra chẩn đoán và tiên lượng, thầy thuốc Trung Quốc dựa vào khoa bắt mạch đầy rắc rối. Do sự gắn
kết chặt chẽ giữa kinh và mạch theo đó âm dương lưu thông, cho nên khi nghiên cứu âm trong máu có
thể phát hiện được những vấn đề của dương trong mạch (tract). Như thế, khi lắng nghe những tiếng sóng
của máu do tim tống đi, thầy thuốc có thể phát hiện được bệnh tại nhiều phần trong cơ thể. Người thầy
thuốc phải học 50 loại mạch, nắm được trên 200 biến thể, và phải biết nhận ra mạch nào báo hiệu bệnh
nhân sắp chết. Mạch có thể yếu, mạnh, thô, nhẵn, sắc như móc câu, mịn như tóc, lì như đá, sâu như
giếng, mịn như lông tơ. Mạch đầy, mạnh, yếu, đều hoặc không đều sẽ cho phép phát hiện bản chất của
bệnh, hoặc là mạn hay cấp, nguyên nhân và thời gian mắc bệnh, và tiên lượng hồi phục hay tử vong.
Khoa bắt mạch phát hiện bệnh mới phát và cho phép thầy thuốc kê ra các biện pháp dự phòng hoặc xử
lý diễn biến điều trị. Có thể phải nhờ đến những mánh lới chẩn đoán khác nhất là đối với trẻ em. Khi
quan sát kỹ, thầy thuốc có thể tìm được các mấu chốt chẩn đoán với các âm thanh mà người bệnh tạo ra
khi nói, rên, cười hoặc khóc và với sự đổi màu ở các bộ phận trên thân thể người bệnh. Lấy ví dụ, nhìn
lưỡi có thể nhận ra 30 ánh màu cho biết bằng chứng của bệnh hoặc khả năng tử vong. Thầy thuốc cũng
phải nhận biết được nhiều loại bệnh nhân khó tính hoặc hay nghi ngờ, chẳng hạn những kẻ bướng bỉnh,
bủn xỉn hoặc tham ăn và phóng đãng, và những người tin vào thầy pháp hoặc lang băm hơn là tin vào
thầy thuốc.
TRI GIẢ, LƯƠNG Y, VÀ LANG BĂM
Theo Hoàng đế, thì các bậc đại trí thời cổ đại không chữa cho những người đã bị bệnh. Thay vào đó, họ
đưa ra lời chỉ dạy khi người ta chưa bị bệnh, bởi lẽ tìm thuốc chữa khi bệnh đã xảy ra thì cũng ngu ngốc
như chờ tới lúc chiến tranh xảy ra mới rèn khí giới. Trên lý thuyết, thầy thuốc cao tay hướng dẫn cho
người khỏe mạnh chưa bệnh, thầy thuốc kém mới điều trị người mắc bệnh. Trong khi bậc trí giả thực
hành y học dự phòng và không hề lấy tiền công, thì hàng lũ các thầy lang không có chút trình độ - phẫu
thuật gia, bán thuốc, phương sĩ, thầy bói, kẻ bán hàng rong, và lang băm - thảy đều hăm hở nhận tiền
công và cúc cung phục vụ đám thân chủ ngu si bệnh tật. Người thầy thuốc điển hình bị trách cứ là quá
chú ý đến công xá và ân huệ hơn là các lý thuyết và triết lý.
Mặc dù việc đào tạo và các hoạt động của đội ngũ các ngự y không hề tiêu biểu cho sự thực hành phổ
thông của nghề y tại Trung Quốc, có nhiều cải tiến đáng kể có liên quan đến sự tiến triển của định chế
này. Lấy ví dụ, các định chế của nhà Chu (khoảng 1122-221 trước CN) cho biết rằng vào thời này nhà
nước tổ chức hàng năm các kỳ thi để tuyển những ai muốn làm nghề y. Hầu như mỗi tỉnh đều có trường
dạy nghề y, nhưng đa số các thầy thuốc đều phải trải qua thời gian học việc, còn các thầy lang xoàng chủ
yếu là tự học. Đối với Thái y viện (Imperial Service), lương bổng của từng thí sinh căn cứ vào thứ hạng
trúng tuyển. Thứ bậc và lương bổng của thái y được ấn định dựa trên số trường hợp chữa trị thành công.
Thầy thuốc chữa lành cho tất cả các bệnh nhân được xếp vào hạng nhất, hạng thấp nhất dành cho những
người chỉ chữa khỏi không quá 60% ca bệnh. Nên chú ý rằng khoảng một nửa số bệnh nhân có thể hồi
phục mà không cần phải điều trị gì cả. Các thú y sĩ cũng được xếp hạng căn cứ trên tỷ lệ điều trị thành
công của họ.