Vương Quế Lan có phải từng được ghi chép lại vì chuyện này không?
Phòng cất giữ sách trong phủ Nội vụ không được phòng bị nghiêm ngặt
như Thái Thanh Lâu
(*)
trong Hoàng cung, tất nhiên cũng không được sửa
sang lại nhiều. Bên trong nơi này có rất nhiều danh sách nhỏ lẻ, đủ các loại
khoản mục, mức độ cũ mới của đồ vật, sổ chép tay về màu sắc hoa văn các
loại.
(*) Là nơi cất giữ sách quan trọng nhất trong Hoàng cung hậu viện.
Lý Liên Hoa không đốt đèn mà nương nhờ ánh trăng để xem xét vô số sổ
sách trong phòng. Những cuốn sổ hoặc cũ hoặc mới, bút tích hoặc xấu hoặc
đẹp, có nét bay bổng lưu loát, đẹp không thể tả, có nét lại lúc to lúc nhỏ,
hình dáng kì quái, bên trong phủ đầy bụi bặm. Hắn động tay không hề do
dự, lật mở mục lục từng cuốn từng cuốn ra xem.
Trong bóng tối, ánh trăng mờ ảo như có như không, đầu ngón tay Lý
Liên Hoa lại rất nhanh nhạy, trong thời gian ngắn đã lật qua hơn hai trăm
cuốn. Trong rất nhiều cuốn sách, hắn cầm lên một cuốn được đóng bằng
những tờ giấy nhiều màu sắc.
Đó là cuốn sổ được đóng rất ngay ngắn, trên bìa có viết ba từ "Cực Lạc
Tháp", bên trong dùng mực đậm vẽ mấy hình trân châu, vỏ sò các loại,
ngoài ra còn vẽ mấy con chim.
Đây rõ ràng là cuốn sổ mà Phương Đa Bệnh phát hiện ra trong gian
phòng ở điện Cảnh Đức, sau khi biến mất nó lại xuất hiện ở nơi này. Lý
Liên Hoa lật đến trang cuối cuốn sổ, ngẫm nghĩ rồi tháo sợi dây đóng sách,
lấy một tờ giấy ở bên trong cuốn sổ, nhét vào trong người rồi lại nhanh tay
nhanh chân buộc nó lại, đặt vào trong kệ. Tiếp đó hắn nhanh chóng tìm thấy
danh sách ba mươi ba năm trước, quả nhiên nhìn thấy bản chép tay của
Vương Quế Lan trong đó.
Đó là một cuốn sổ bìa gấm màu xanh, vì năm đó Vương công công có
địa vị hiển hách nên sổ tay ghi chép được đóng rất đẹp đẽ. Mở ra, bên trong
có "Ngọc dịch u lan phú" và "Trường xuân nữ hoa ca", ngoài ra còn có một
vài tập kiệt tác có một không hai như "Phụng chỉ thọ yến Thái hậu" hay
"Thơ về hoa mai với Trương thị lang".