- Tại sao thầy buồn một mình vậy?
Khổng tử đáp:
- Hãy nói cho thầy nghe nỗi vui của anh trước đã.
Hồi thưa:
- Con nghe có lần thầy dạy rằng hễ lạc thiên tri mệnh thì không có gì buồn
cả, vì vậy mà con vui.
Khổng tử trầm ngâm một lát rồi bảo:
- Ta có nói như vậy sao? Anh hiểu sai ý của ta rồi. Lời ta nói hồi trước đó,
bây giờ anh theo lời ta sắp nói đây mà sửa lại. Anh chỉ hiểu được cái lẽ lạc
thiên tri mệnh thì không có gì buồn mà chưa hiểu được rằng tuy lạc thiên tri
mệnh mà cũng vẫn buồn. Nay ta giảng hết cho anh nghe: cứ sửa thân mình,
thành công hay thất bại cũng mặc, biết rằng thăng hay trầm không quan hệ
gì tới ta, không để cho những biến loạn làm bận lòng, đó anh hiểu lạc thiên
tri mệnh thì vô ưu là như vậy.
Trước ta đã sửa lại Thi, Thư, định lại Lễ, Nhạc, mong dùng những sách đó
để trị thiên hạ, truyền lại hậu thế, chứ không phải chỉ sửa riêng cái thân ta,
trị riêng nước Lỗ mà thôi đâu. Mà vua tôi nước Lỗ càng ngày càng mất trật
tự, nhân nghĩa càng ngày càng suy, tính tình càng ngày càng bạc. Như vậy
là đạo không thi hành được ở trong một nước, ngay bây giờ đây, nói chi thi
hành tới khắp thiên hạ, trong các đời sau nữa.
Bây giờ ta mới biết rằng Thi, Thư, Lễ, Nhạc không giúp được cho loạn hoá
trị, mà chưa tìm được phương nào cải cách được xã hội được đây. Đó là cái
lẽ lạc thiên tri mệnh mà vẫn còn buồn. Nhưng ta đã hiểu được một điều: cái
chúng ta gọi là “lạc”, là “tri” không phải cái cổ nhân gọi là “lạc”, là “tri”.