Liệt tử tuy đồng thời với Dương và Lão, nhưng chắc ít tiếp xúc với hai nhà
đó vì cả ba đều ít đi đâu, thích ở ẩn, không bôn ba như Khổng, nhất là Mặc.
Khi thôi học Hồ Khâu Tử Lâm, ông mở trường, môn sinh chắc không đông
lắm vì thời nào hạng người ưa đạo hư tĩnh, không màng danh lợi cũng ít
hơn hạng muốn ra làm quan, mà ông cũng không nổi tiếng. Bài IV. 5 bảo:
“…số người xin học có hằng trăm, tới hoài không hết, Liệt tử không biết là
bao nhiêu nữa, …xa gần không ai không biết tiếng”. Lời đó mâu thuẫn với
bài I.1, mà xét phần sau của bài (thầy trò Liệt tử qua thăm Nam Quách tử)
thì có tính ngụ ngôn, cho nên không đáng tin.
Hình như Liệt tử không lãnh một chức vụ gì cả, có lần qua nước Vệ vì ở
Trịnh đói kém, một lần khác qua Tề nửa đường trở về (bài II.14), vì ngại
vua Tề sẽ giao phó trọng trách cho, ông ta phải gắng sức mà không được an
nhàn.
Vậy ta có thể tin rằng ông sống đạm bạc, nhờ môn sinh cung cấp, không
bôn ba để hăng hái cứu đời, cũng như hết thảy các nhà trong phái Lão tử
hoặc Dương tử.
Còn những chi tiết khác như Liệt tử học bắn với Bá Hôn Vô Nhân (bài
II.5), rồi học bắn nữa với Quan Doãn tử
(bài VIII.3), Liệt tử học Lão
Thương (bài IV.6)… theo chúng tôi, đều có tính cách ngụ ngôn cả.
Không rõ Vũ Đồng căn cứ vào đâu mà bảo Liệt tử mất hồi trên dưới tám
chục tuổi .
Chú thích: