Có khí, hình, chất rồi mà ba cái đó còn chưa tách nhau ra, cho nên gọi là
“hỗn luân”; cái hỗn luân đó lại biến đổi nữa mà thành ra Một; Một biến ra
thành Bảy; Bảy biến ra thành Chín; tới Chín là cùng; rồi lại trở về Một.
Lão tử nói hơi khác: “Đạo sinh ra Một, Một sinh ra Hai, Hai sinh ra Ba, Ba
sinh ra vạn vật” (chương 42), nhưng đại ý cũng vậy, và ông cũng cho rằng
biến tới cùng rồi thì trở về nguyên thuỷ: “Quay trở lại là cái hoạt động của
Đạo”. (Phản giả, Đạo chi động – chương XL).
Quan niệm “phản phục” đó là quan niệm chung của nhiều triết gia thời đó,
xuất phát từ nhận xét thiên nhiên: hết bốn mùa thì trở lại mùa xuân, trăng
tròn thì lại khuyết, hết đêm lại tới ngày, vân vân…
Vạn vật cứ sinh sinh hoá hoá, vận chuyển hoài không ngừng, giảm ở phía
này thì tăng ở phía khác, đầy ở kia thì vơi ở đây, cứ chầm chậm mỗi ngày
một chút, không đột nhiên tăng lên, không đột nhiên giảm đi, vì vậy ta
không thấy ngay được, mãi tới sau mới thấy. (bài I.10).
Mọi vật đã do “vô” mà sinh ra thì đều ngang nhau, không có cái nào “quí”
hơn cái nào.
Trời có chức vụ của trời là sinh ra và che chở vạn vật, nhưng trời cũng có
sở đoản”, nghĩa là chức vụ cũng bị hạn chế: không thể gây hình mà chở
được vạn vật như đất. Đất có chức vụ của đất là gây hình và chở vạn vật
nhưng lại không che chở được vạn vật như trời mà cũng không giáo hoá
được vạn vật như thánh nhân. Thánh nhân giáo hoá vạn vật nhưng không
thể làm trái bản tính của vạn vật. Mà mỗi vật cũng có một chức vụ riêng
tuỳ theo khả năng của nó: chẳng hạn con gà đẻ trứng nhưng không thể nhả
tơ, con tầm nhả tơ nhưng không sinh mật như con ong… (bài I.3).
Ý đó hợp với ý “tề vật” (mọi vật đều ngang nhau) của Trang tử, và được