diễn phái Danh gia sau này chủ trương, mà cũng không phải là sự biết “sinh
nhi tri chi” của Khổng tử, vì nó cần một sự tu luyện tốn công, chứ không
phải hễ cực thông minh thì “sinh ra đã có”, tức do bẩm sinh mà có.
Hai bài VIII.3 và II.10, không chắc là tư tưởng Liệt tử, nhưng cũng bàn về
tri thức, nên chúng tôi cũng ghi lại ở đây:
Liệt tử học bắn với Quan Doãn tử, bắn trúng rồi, nhưng không hiểu tại sao
lại bắn trúng. Quan Doãn bảo chưa được. Liệt tử tập bắn thêm ba năm nữa,
hiểu được tại sao bắn trúng, Quan Doãn mới cho là được, và dặn:
“Nhớ lấy, đừng quên. Chẳng phải riêng việc bắn như vậy đâu, việc trị nước,
tu thân cũng vậy. Cho nên bậc thánh nhân không quan tâm tới sự tồn vong
(đắc thất) bằng cái lẽ tại sao lại tồn vong”. (bài VIII.3 ).
Vậy hành được, chưa đủ gọi là tri, phải biết lí do tại sao mà thành hay bại,
hiểu nguyên nhân của mỗi sự kiện, mới gọi là tri được. Ý tưởng xác đáng
đó, ít triết gia thời Tiên Tần nói tới.
Sau cùng, bất kì học một môn gì, một nghề gì, cũng phải tập trung tinh thần
như người gù bắt ve trong bài II.16 . Người đó phải tập trong năm sáu
tháng, mới đầu phải đặt hai viên đạn lên đầu một chiếc gậy, cầm gậy sao
cho nó không nhúc nhích, đạn không rớt, rồi tăng lần lên ba viên, năm viên;
lúc đó “thân thể trơ trơ như khúc cây, cánh tay tựa như một cành cây khô,
chung quanh trời đất mênh mông mà không thấy gì cả, chỉ thấy cánh ve sầu
thôi” và bắt ve dễ dàng như nhặt chúng vậy, gí con nào là dính con đó.
Vậy, bộ Liệt tử, nếu không phải là chính Liệt tử, chủ trương rằng:
- trong vũ trụ có những điều trí óc của ta không hiểu được, đừng nên quan
tâm tới làm gì;