Như bài II.12 kể một cuộc đốt rừng để săn thú của Triệu Tương tử. Trong
khi rừng cháy hừng hừng, bỗng có một người “từ trong vách đá chui ra,
cùng bay lên đáp xuống với ngọn lửa và tàn lửa..., lửa tắt rồi thì ung dung
bước ra, như không có chuyện gì xảy ra cả”. Hỏi thì người đó đáp rằng
không hề biết đá là cái gì, lửa là cái gì. Là vì hễ hoà đồng với vạn vật thì sẽ
hoá đồng với vạn vật, mình sẽ là đá, lửa, có thể chui vào đá, chạy nhảy
trong lửa được.
Điểm thú vị trong truyện đó, vua Văn hầu nước Nguỵ nghe xong, hỏi Tử
Hạ (một môn sinh của Khổng tử):
- “Thế còn Khổng tử sao không làm như vậy (mà chui vào đá, nhảy vào
lửa)?
Tử Hạ đáp:
- Phu tử làm được mà không cần làm”.
Dĩ nhiên là Khổng tử không làm được nhưng đâu có nhắm mục tiêu hoá
đồng với vạn vật.
Lại như bài II.9 về thuật lội trong nước. Khổng tử ngắm thác Lữ Lương
cuồn cuộn nổi bọt lên, nước ầm ầm đổ xuống, dù loài giải, loài ba ba cũng
không sống trong đó được; vậy mà một người lội trong dòng như chúng ta
đi trên bộ, hỏi người đó cái thuật lội nước, người đó đáp:
“Mới đầu tôi tập lội, lớn lên thành một bản tính, cuối cùng thành ra tự
nhiên, gặp xoáy nước thì cứ để cho nó cuốn vô rồi lại để cho nó đưa mình
nổi lên, cứ theo cái “đạo” của nước chứ không theo ý riêng của mình”.
Không theo ý riêng của mình tức là hư tâm, để cho xoáy nước cuốn mình