Liệt tử được.
Còn bài II.21 (Nhân nghĩa hơn sức mạnh), V.9 (Luật quân bình), VIII.9
(Làm cách nào cho hết trộm cướp) thì hiển nhiên là tư tưởng của Khổng
phái, người đời sau đã thêm vô.
*
* *
Trong tiết này chúng tôi đã thử chứng minh rằng bộ Liệt tử tuy xét qua, có
vẻ thiếu nhất trí, nhưng tựu trung vẫn có những ý chính, liên quan với nhau,
thành một hệ thống, một triết thuyết.
Triết thuyết đó chủ trương vô vi, hư tĩnh, hoà đồng với vạn vật, trọng nhân
sinh, bình dân, không quan tâm tới những cái siêu hình óc người không
hiểu nổi, có phần lạc quan chứ không bi quan, có phần tích cực (ở điểm
luyện tâm, luyện đức tin, tập trung tinh thần) chứ không tiêu cực. Nó gần
Lão, mà cách phô diễn (dùng nhiều ngụ ngôn chứ ít lí thuyết) lại gần
Trang.Không chê Khổng Tử lắm, có cảm tình với Khổng là khác mà có chỗ
lại cơ hồ như chịu ảnh hưởng của Mặc (như bài VII.7 – không coi trọng sự
tống tử). Như vậy đủ cho chúng ta kết luận rằng Liệt là gạch nối giữa Lão
và Trang.
Học thuyết đó không sâu sắc bằng Lão, không rực rỡ bằng Trang, đó là lẽ
thứ ba khiến cho ít học giả nhắc tới. Nhưng theo chúng tôi, Liệt tử vẫn
xứng đáng đứng dưới Lão, Trang, trên nhiều triết gia khác thời đó, và
ngang hàng với Dương tử.
Chú thích: