cứu được nữa.
Chủ trương đó trái ngược hẳn với họ Mặc và cũng cực đoan như họ Mặc:
Mặc cực đoan mà tích cực, Dương cực đoan mà tiêu cực.
Thuyết nào cực đoan thì cũng khó thực hiện được, nhưng có cái lợi là mở
một cửa sổ mới để người ta thấy một chân trời mới mà suy tư, và hai cực
đoan trái ngược nhau sẽ đưa tới một sự dung hoà. Có thể rằng chính nhờ
Dương tử mà sau mới có thuyết của Lão tử, của Trang tử.
Lão tử. Liệt tử chủ trương vô vi, một thứ vô vi trung dung hơn Dương tử,
và Lão tử cũng khuyên ta nên “quí sinh khinh lợi”, nên coi thân mình quí
nhất trong thiên hạ (Quí dĩ thân vi thiên hạ - chương XIII), còn Trang tử thì
nói: “phải giữ vẹn hình thể, duy trì thiên chân, đừng vì (ngoại) vật mà làm
luỵ hình hài” (toàn hình bảo chân, bất dĩ vật luỵ hình).
Dương Chu còn là người đầu tiên xướng xuất chủ nghĩa cá nhân, nhưng
chủ nghĩa đó không hợp với dân tộc Trung Hoa nên chỉ thịnh trong những
thời loạn: thời Chiến Quốc và thời Nguỵ, Tấn.
*
Quí kỉ thì tự nhiên cũng phải quí vật vì vật cũng có sinh mệnh, có bản năng
của nó, cho nên trong bài VII.15 , Dương Chu khuyên ta không nên tàn bạo
với các sinh vật khác:
“Chúng ta phải cậy vào ngoại vật để tự nuôi sống, nhưng phải dùng mưu trí
chỉ không phải dùng sức mạnh được. Cho nên trí khôn quí ở chỗ nó bảo tồn
được thân ta, mà sức mạnh đáng khinh ở chỗ nó tàn bạo với sinh vật khác...
Làm chủ vật và làm chủ thân ta, tự ý muốn làm gì cho thân mình và vạn vật
cũng được, hoạ may bậc thánh nhân mới được vậy”.