ông kết luận rằng cứ như người thời thái cổ mà lại khôn: biết đời sống chỉ
là tạm thì cứ hành động theo lòng mình, không trái những thị hiếu tự nhiên,
không bỏ lỡ cái gì làm vui cho cuộc sống... tuổi thọ nhiều hay ít, không
quan tâm tới. “Tòng tâm nhi động, bất vi tự nhiên sở hiếu” là nhân sinh
quan của ông.
Câu đó làm cho người ta tưởng rằng ông túng dục (buông thả lòng dục).
Không phải vậy. Vì đã túng dục thì tất thương sinh mà không thọ, không
hưởng lạc được; đã quí sinh thì không túng dục.
Trong bài VII.3 , ông tỏ rõ thái độ trung dung là khác.
“Nguyên Hiến sống nghèo khổ ở nước Lỗ, mà Tử Cống (cũng là môn sinh
của Khổng tử như Nguyên Hiến) thì buôn bán, làm giàu ở nước Vệ.
Nguyên Hiến vì nghèo mà tổn sinh, Tử Cống vì làm giàu mà luỵ thân, vậy
thì nghèo đã không nên, giàu cũng không nên. Nên làm sao đây? Nên làm
sao cho vui vẻ, an nhàn tấm thân? Kẻ biết sống vui thì tránh cảnh nghèo, kẻ
biết sống an nhàn thì tránh sự làm giàu”.
Thuỷ tổ của đạo nhàn ở phương Đông chúng ta, phải kể Dương Chu chứ
không phải Lão, Trang. Các nhà nho ẩn dật của ta thì dù đỗ đạt mà cũng
không chịu ra làm quan, sống vui vẻ với vài mẫu ruộng, vài sào dâu, một
khu vườn, một cái ao, là môn đồ của Dương Chu cả.
Muốn so sánh ông với một triết gia phương Tây thì tôi sẽ lựa Epicure, sanh
ở Hy Lạp sau ông non một thế kỉ, cũng cho rằng sống để hưởng lạc, nhưng
cũng thanh bạch, tiết độ, mà cũng bị đời hiểu lầm là túng dục.
Chúng ta thấy Dương Chu rất ghét sự cấm đoán của xã hội, chỉ làm luỵ
thân ông. Mà một cái luỵ lớn nhất là hư danh. Trong hơn hai mươi bài, có
tới năm sáu bài ông đã kích thói ham danh.