Cái mùi hương ấy, vị dịu ngọt ấy. Em không ngừng nghĩ đến nó, và điều đó
khiến cho sự phản kháng của em dữ dội hơn nữa.
Nhưng em không lên cân. Họ có dây đai, cái banh. Không có cách nào
chống lại những thứ này. Ngay khi họ có thể ép em nuốt hai ba thìa thì họ
liền truyền bổ sung đường glucô kèm vitamin, và thế là họ hài lòng cho đến
lần sau.
Cuối cùng em nhượng bộ; em không còn sức lực nữa. Khi họ đưa chiếc
thìa lại gần, em tự động hé miệng, em nhai, em nuốt. Không còn cái banh,
không còn dây đai, không còn bàn tay giữ đầu, ấn cằm em xuống nữa. Dù
có chán ngấy thì đó cũng là sự trút bỏ gánh nặng.
Em lấy lại sức sống và lên cân. Em bình phục. Ngay khi em có thể tự
ngồi, họ đã có thể bắt đầu tiến hành phục hồi chức năng. Lúc đó em không
biết nói, không biết đi, không biết làm gì cả. Họ dạy em lại mọi thứ.
Em nhớ rằng người dạy chỉnh phát âm có hơi thở hôi, như mùi chuột
chết ở trong họng. Ngay từ đầu, điều đó làm tổn hại đến mối quan hệ giữa
hai người. Khi mở miệng, cô ta phả thẳng vào mặt em thứ chướng khí, và
em phải cắn chặt môi để ngăn sự co thắt làm nôn nao dạ dày. Cô ta coi việc
làm đó của em là thiếu thiện chí và tiến sát mặt lại gần hơn về phía mặt em:
“Hãy xem cô làm thế nào này. Nào, hãy nhìn xem!” Và như thế còn tệ hơn
nữa.
Thời gian đầu, em giãy giụa. Thậm chí em còn thử cào cấu cô ta, báo cáo
viết như vậy. Cô ấy kiên nhẫn. Họ đề nghị với cô ta cột em vào chiếc ghế
bành, nhưng cô không muốn. Cô ấy nói rằng sẽ không bao giờ có tiến bộ
nếu em không đồng thuận. Tất cả đều phải đến từ phía em, khi em thấy sẵn
sàng. Phải nói là việc này khiến em vui lòng, đặc biệt khi có người không
tìm cách cột chặt mình. Thế là em quyết định cố gắng và chịu đựng mùi
hôi.
Em cho rằng nghịch cảnh giúp ta sáng tạo. Sau một thời gian, em đã tìm
ra cách giải quyết: mỗi khi cô ta nói, em liền nín thở. Đương nhiên vẫn còn
hơi ấm phả lên mặt em. Nhưng không phải ngửi mùi hôi thì em có thể chịu
đựng được. Đó là khởi đầu của quá trình hợp tác thực sự giữa em và cô ta.