Họ đưa cho em đôi kính khác. Em không muốn tháo kính ra nữa, ngay cả
ban đêm. Họ lại cho em thuốc an thần và truyền đường glucô. Và họ chờ
đợi.
Em giữ đôi mắt nhắm. Em không muốn thấy ai. Thỉnh thoảng, họ đến sờ
soạng em, thay dây truyền, làm vệ sinh cho em hoặc lấy máu. Em để cho
họ làm, đôi mắt vẫn nhắm nghiền. Em nghe thấy họ thì thầm: “Tội nghiệp
con bé, nó không cần như thế”. Và họ cũng nói rằng lẽ ra người ta không
bao giờ nên như vậy, rằng em chưa sẵn sàng. Họ nói rằng: “Hình như ông
Kauffmann rất phẫn nộ.”
Việc đó đem lại điều tốt hơn cả mong đợi cho em. Tội nghiệp con bé.
Một số người bênh vực em. Họ không đồng ý với những gì người ta đã làm
với em. Chuyện đó như một lỗ hổng ở giữa bức tường, như một điểm rạn
nứt trong hệ thống. Một hy vọng. Em thấy tất cả những gì mình có thể lợi
dụng từ tình hình đó. Em bắt đầu giả vờ lên cơn thần kinh, khiếp sợ và
khóc như thật, đến mức mà cuối cùng, em chẳng biết đó là thật hay giả nữa.
Họ không tìm cách ngăn em lại, không tìm cách tiêm hay cách nào đó để
trấn an. Đây là lần đầu tiên em thấy họ hết cách, khó xử, và có thể ý thức
mình đã mắc sai lầm. Em nhận thấy điều đó trong ánh mắt luôn trốn chạy
của họ. Em đoán ra điều đó thông qua các cử chỉ thận trọng của họ, cứ như
em được làm từ một chất liệu dễ vỡ mà họ sợ làm sứt mẻ mỗi khi thao tác.
Em có thể nói gì với anh nhỉ? Cảm giác tội lỗi, chỉ thực sự cái đó. Anh hãy
thu xếp sao cho những người khác luôn cảm thấy hơi có lỗi với anh, rồi anh
sẽ đạt được tất cả những gì anh muốn.
Khi họ thông báo với em bằng một giọng rất nhẹ nhàng rằng em sắp có
thể rời trạm xá, em liền hét lên, hốt hoảng:
– Cháu không muốn quay về phòng!
– Cháu không muốn ư? Nhưng tại sao?
– Phòng của cháu quá gần với phòng của những đứa khác! Cháu không
muốn quay về đấy! Cháu sợ!
– Nhưng rốt cuộc…