hành lang, cũng có thể nhân cơ hội đó để lẻn vào phòng em và lục lọi đồ
đạc, vì tính xấu hoặc vì tò mò. Chỉ cần phát hiện chiếc khăn, người đó
quyết định lấy luôn nó.
Tất nhiên em có thể báo việc mất trộm và đề nghị cho xem lại băng hình
từ máy ghi hình giám sát. Nhưng điều đó chỉ làm thu hút sự chú ý vào em
đúng lúc mà, hơn bao giờ hết, em muốn mình được lãng quên. Em thậm chí
muốn không cần tìm ra thủ phạm hơn là phải có một rủi ro nào đó. Và đó là
điều mà em đã trải qua, cái chết trong tâm hồn. Em nói cái chết, bởi vì với
chiếc khăn ấy, một lần nữa, đó là một chút gì đó của ông Kauffmann bị lấy
đi khỏi em.
Từ sự việc Justinien gây gổ với em, em giữ trong lòng như một sự e sợ.
Cậu ấy cố tỏ ra duyên dáng hay giúp đỡ nhưng vô ích, em thấy nghi ngờ.
Em không quên câu nói cuối cậu ấy ném vào em từ đáy cơn giận dữ: Trong
khi tôi nghĩ đến mọi việc tôi đã làm vì chị. Em tự hỏi cậu ấy sẽ có thể trở
nên như thế nào nữa nếu em tạo ra cơ hội cho một cuộc khủng hoảng mới.
Vì thế, em cảnh giác: em né tránh anh, giống như thời gian trước, như thể
đã không bao giờ có cuộc nói chuyện đó giữa chúng ta, cuốn sách mà anh
đã để em lật từng trang, những tấm chân dung, lòng khoan dung lễ độ của
anh, như thể những điều đó đã không tồn tại vậy. Em cố ý để không bao giờ
gặp anh, để không phải nói chuyện với anh. Em đi sát vào các bức tường,
và bỏ trốn khi anh đến gần. Em làm ngơ như không biết mỗi lần anh đến
nhìn em trong khi em làm việc. Nhưng như thế là không đủ. Cần tin rằng
điều đó phải đến.
Điều đó xảy ra vào một ngày 20 tháng Ba, anh nhớ không? Tất nhiên,
anh nhớ. Justinien vừa mới đến, với điệu cười buổi sáng, và cái nháy mắt
nhàu nhĩ khi đưa em tập tài liệu.
– Có mọi thứ chị muốn, vẫn như thường lệ!
Chúng em buôn chuyện với nhau một lúc. Cậu ấy có vẻ vui, và em cảm
thấy ổn. Khi anh vào phòng, hai đứa giật mình.
– Tôi làm các bạn sợ. Cho tôi xin lỗi.