lắm. “Hãy tiếp tục học những bài thơ này đi, Lila. Bác hứa là cuối cùng
cháu sẽ hiểu các bài thơ có ích gì. Cuối cùng, cháu sẽ cảm nhận được.” Ông
luôn luôn có lý.
Một hôm, khi em đang ở trên sân thượng, vừa nghĩ đến mẹ vừa nhìn mưa
rơi trên thành phố thì đột nhiên một bài thơ lóe lên trong ký ức. Bài thơ nói
về nỗi buồn, và bài thơ thật hoàn hảo - ý em là, bài thơ hoàn toàn phù hợp
với khoảnh khắc ấy; mưa và nỗi buồn đau trong tim, thành phố dưới chân
em. Đây là lần đầu tiên chuyện này đến với em.
Em tiến lên sát bờ sân thượng. Em nói: “Hãy nghe con, mẹ ơi: trái tim
con đang khóc như mưa trên phố.” Cứ như các từ ngữ ấy thuộc về em. Cứ
như bài thơ hoàn toàn thuộc về em. Cứ như em vừa sáng tác bài thơ. Em thì
thầm bài thơ chậm rãi, nhiều lần, dành cho mẹ, dù mẹ đang ở nơi đâu. Một
lúc sau em cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Em nói điều này với ông Kauffmann:
– Bác biết đấy, cháu nghĩ là đối với những bài thơ thì cháu đã hiểu. Bác
có lý.
Ông mỉm cười:
– Bác tin chắc mà, cháu gái. Bác biết chắc mà.
Và em lại bắt đầu học từ ngữ nhiều hơn. Bây giờ làm các việc mà hiểu rõ
lý do, em học còn tốt hơn nữa, đủ thể loại, không thắc mắc. Thơ và văn
xuôi tùy thích, những danh sách dài những từ ngữ cầu kỳ, tục ngữ, ngạn
ngữ, những câu rủa và thô lậu. Một sự hồi sinh thực sự.
Đầu tháng Chín, ông Kauffmann trình bày trước Ủy ban bản tổng kết thứ
hai về kết quả giảng dạy của ông. Ông làm việc cùng em đã mười tám
tháng, và cả hai người rất tự hào về kết quả: càng ngày em càng bớt khó
khăn trong diễn đạt. Từ ngữ đến đầu lưỡi mà em không cần phải suy nghĩ.
Các bài thơ nở rộ trong đầu em cùng với cảm xúc, và thậm chí còn bằng
nhiều ngôn ngữ, bởi lẽ ông Kauffmann kiên trì muốn rằng em biết nhiều
thứ tiếng.