gia chúng ta.” Nói đoạn đưa một chiếc tráp ra. Tráp này bằng gỗ nam cẩn
ngọc, cầm trĩu cả tay, ta đoán chừng bên trong không phải vàng bạc châu
báu thì cũng là đồ cổ quý giá, tay nâng nó lên mà lòng mừng đến run rẩy.
Phụ thân vỗ vai ta, dặn dò, “Đầu tháng Năm nhất định phải đưa được tráp
này đến đích, người nhận là Trần Tỉnh Sinh Trần lão gia của hãng châu báu
Cát Tường phố Bắc Đại đất Cửu Giang. Con nhớ chưa?” Ta nhẩm lại mấy
lần, nhớ kỹ rồi, gia phụ lại dặn, “Lần đầu bảo tiêu, ta phái mấy tiêu sư tâm
phúc đi với con. Bọn họ đều từng trải giang hồ, trên đường con nhất định
phải tham vấn họ.” Ta vui sướng ngập lòng, chỉ muốn mau mau xuất phát,
bèn vâng dạ rồi quay mình đi luôn. Bước tới cửa, ta ngoái lại nhìn phụ thân,
nhận ra người đang đờ đẫn nhìn ta, mắt long lanh lệ…
Kể đến đây, Triệu Thế Hùng ngẩng đầu lên, con mắt còn lại dõi vào
thinh không sâu thẳm, vẻ bâng khuâng. Lạc Chi Dương sốt ruột hỏi:
– Vì sao lệnh tôn lại buồn thế?
Triệu Thế Hùng trầm mặc một lúc, nhẹ nhàng đáp:
– Bấy giờ ta chỉ mải cao hứng, thấy thần sắc gia phụ như vậy mà cũng
không màng để tâm suy xét cho kỹ. Tưởng rằng người tuổi tác đã cao nên
dễ mềm lòng, thương nỗi biệt ly. Chuyến tiêu lại vô cùng quan trọng, ta
không dám chậm trễ thêm một thời khắc nào nữa, nên xuất hành ngay trong
đêm. Bấy giờ nạn đói hoành hành, đạo tặc như ong, xe tiêu dọc đường gặp
không biết bao nhiêu trắc trở, may mà đao pháp của ta đã có chút tựu thành,
các tiêu sư phụ tá cũng rất đắc lực, vào buổi chiều ngày mùng sáu tháng
Năm, cuối cùng đã tới được Cửu Giang, ai ngờ đến nơi hỏi thăm, chỉ kêu
được một tiếng khổ, không hiểu thế là thế nào nữa.
– Sao cơ? – Lạc Chi Dương hỏi dồn – Có kẻ cướp tiêu?
– Không phải – Triệu Thế Hùng lắc đầu – Cửu Giang quả có một con
phố tên Bắc Đại, nhưng phố này chẳng hề có tiệm châu báu Cát Tường,