xây sự nghiệp giờ đây như những mảng ánh sáng lạnh lẽo của vầng trăng
khuya, chúng cứ thản nhiên theo từng giấc, từng giấc mộng của nhiều đêm
trường mà lặng lẽ rơi rụng qua kẽ hở của thời gian, mà ra đi.
Bài 'Long Phi dẫn' chấm dứt, Lạc Chi Dương đang định hạ cây sáo
xuống, tiếng đàn lại nhẹ nhàng chuyển sang khúc 'Phong Vân Hội'. Hắn
liếc nhìn cô gái một cái, rồi cố gắng thổi sáo hòa cùng cô. Thập thất đệ
cũng xướng theo: "Ngọc lũy khám giang thành, phong vân nhiễu đế doanh.
Giá lâu thuyền long hổ túng hoành, phi pháo phát ky khu lục giáp, hàng Lỗ
tướng, thắng Hồ binh. Đàm tiếu xế trường kình, tam quân dũng khí tăng.
Nhất nhung y, vũ trụ thanh trữ. Tòng thử Hoa di quy nhất thống, khai đế
nghiệp, khánh thăng bình."
Bài hát này còn có tên 'Khai thái bình chi khúc', chính là kể lại sự tích
đại chiến trên hồ Bà Dương, hồi đó, Chu Nguyên Chương cưỡi thuyền lầu
đại phá Trần Hữu Lượng. Trận thủy chiến ấy hung hiểm khôn cùng, đôi bên
thắng bại đổi thay qua lại nhiều lần, từ lúc Chu Nguyên Chương khởi binh
đến đấy, đây là trận đánh hiểm ác số một, sau chiến thắng đó, công cuộc
nhất thống thiên hạ dễ như lấy đồ trong túi. Cho nên dạo đầu của nhạc khúc
trải rộng ra, như ba đào nổi sóng, ban sơ là gió thổi đẩy sóng, rồi dồn dập
tựa người vung giáo mác, ngựa đóng giáp sắt hí vang, tất cả dần dần cùng
chuyển vào một thể, để giống hệt kình ngư xông nhanh ra biển rộng, chớp
mắt đã mất tăm hình bóng nơi ngàn dặm xa.
Chu Nguyên Chương bị khúc nhạc lôi cuốn, nhịp tay trên gối càng thêm
dồn dập, ông thấy như lại được một lần nữa lên ngựa xông pha chiến trận,
nhưng, đối đầu không phải là một kẻ quá ương ngạnh, mà lại là ông trời
trên cao xanh kia, thiên ý khó dò. Lúc ấy, ông đã tưởng thể nào cũng thua.
Trên hồ Bà Dương, ông xả thân, bất kể sống chết, nhờ đó mà gồm thâu
giang sơn, nhưng nào ai biết, chính tại giờ phút này, ông lại chỉ muốn đem
đánh đổi giang sơn cẩm tú ấy lấy tăng tuổi thọ, được sống thêm mười năm
nữa trong cõi đời.