Kuno, vị giáo sư sinh lý học kỳ cựu của Đại học Y dược Nagoya vừa
mới mất, viết trong cuốn Human Perspiration (tạm dịch: Sự đổ mồ hôi
của con người), bản in năm 1956. “Người ta sẽ hoài nghi… khi nghĩ
rằng một lượng lớn mồ hôi lớn như vậy có thể được tiết ra từ những
tuyến vô cùng nhỏ.” Dù cho, tính theo khối lượng, thì mô tuyến nước
bọt của con người còn nhiều gấp đôi mô tuyến mồ hôi nhưng lượng
mồ hôi có thể được tạo ra lại nhiều gấp sáu lần lượng nước bọt.
Quyển Human Perspiration tương đối dày: 417 trang. Có rất nhiều
thứ để viết ra
, một phần vì việc nghiên cứu về mồ hôi của Kuno đã
kéo dài suốt 30 năm, phần nữa vì ông có rất nhiều người hỗ trợ: “tính
ra phải khoảng 65 người”. Cuốn sách còn có một tập các bức ảnh đen
trắng chụp những người đàn ông Nhật mặc quần sịp nam, người đẫm
mồ hôi sau một thời gian ngồi trong Buồng kích thích đổ mồ hôi. Do
những người này được xoa một loại bột đặc biệt sẽ biến thành màu
đen khi thấm mồ hôi, nên ngực, trán và môi trên của họ lấm tấm
những hạt trông giống như là một loại mốc sương cực độc. Một bộ các
hình ảnh làm lộ rõ những chỗ mồ hôi đổ khác nhau trên da đầu
người
. Thay vì tự lấy dao cạo đầu, các nhà nghiên cứu nhờ sự giúp
đỡ của “18 nhà sư Nhật, những người luôn cạo trọc đầu vì lý do tôn
giáo” và tiến hành thí nghiệm, phớt lờ mọi cuộc gọi từ Đại học
Nagoya.
Bên ngoài phòng thí nghiệm tùy biến nhiệt độ, ít người coi trọng
việc đổ mồ hôi, điều này làm cho Kuno khá chua xót. “Thật lạ kỳ,”
ông viết, “chỉ các bệnh nhân [những người mắc bệnh không thể đổ mồ
hôi], những người luôn phải chịu đựng cái nóng khủng khiếp mới coi
trọng giá trị của việc đổ mồ hôi, còn người bình thường lại luôn càu
nhàu vì đổ quá nhiều mồ hôi.” Những kẻ ngốc. Trong suy nghĩ của
Kuno, hệ thống điều chỉnh nhiệt tuyệt vời của cơ thể người chẳng khác
gì thứ thúc đẩy bước tiến của nền văn minh. “Loài người sống ở khắp
nơi trên trái đất,… trong khi hầu hết các loài động vật lại chỉ có thể