Bên trong vẻ ngoài tầm thường đó, Baer là một bác sĩ thực hành
chính xác và tận tâm. Ông coi giải pháp “chữa trị bằng dòi” của mình
ít ghê tởm hơn nhiều so với phương pháp cắt bỏ chi. Theo Baer, việc
cắt bỏ một chi thể là “sự hủy diệt tận cùng,” Lenhard viết như vậy, thể
hiện một sự tinh nhạy đối với việc tiếp thị cho trò chơi điện tử từ 80
năm trước khi nó hình thành.
Quá ấn tượng với khả năng của những “người bạn” ấu trùng của
mình, Baer đã thiết kế và chế tạo một máy ấp trứng ruồi có thể điều
chỉnh nhiệt làm bằng gỗ và thủy tinh tại bệnh viện của ông. Trong số
89 ca được áp dụng biện pháp chữa bệnh này, chỉ có ba ca lũ dòi thất
bại và người bệnh bị chết vì nhiễm trùng. Sợ rằng ấu trùng nhặng có
thể mang theo các vi khuẩn gây bệnh, Baer đã thiết lập ra một quy
trình để nuôi lớn các mẫu vật tiệt trùng. Ngày nay, nhiều kỹ thuật của
ông vẫn được sử dụng tại Phòng thí nghiệm Monarch, tại Irvine,
California. Lũ dòi y tế của họ đã được tiệt trùng theo tiêu chuẩn của
Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA), cơ quan đã chứng
nhận ấu trùng nhặng là một loại công cụ y tế vào năm 2007.
Trong khi phần lớn “các nhà trị liệu dòi” hiện đại điều trị các vết lở
loét khó lành trên chân do bệnh tiểu đường gây ra, George Peck đến từ
WRAIR lại đang tìm cách đưa những con dòi y tế này trở lại nguồn
cội của chúng là quân đội. Năm 2010, anh đã được tài trợ để nghiên
cứu tính hiệu quả của ấu trùng nhặng trong điều trị vết thương nhiễm
trùng dai dẳng do IED gây ra. Gần đây hơn, Peck đã được bật đèn
xanh để biến đổi gien của ấu trùng nhặng xanh khiến chúng có thể tạo
ra chất kháng sinh. Dù dòi đã có thể ngăn ngừa nhiễm trùng, các cá thể
“siêu dòi” này có thể được tạo ra để chữa những kiểu nhiễm khuẩn cụ
thể.
Peck đề nghị sẽ cho nở một đám dòi để tôi thực mục sở thị, anh sẽ
căn thời gian sao cho khi tôi đến thăm ngôi nhà nơi vợ chồng anh sinh
sống để ăn tối thì lũ dòi sẽ lớn đến đúng cỡ dòi y tế lúc được thả vào