đang nổi đóa. Dầu máy bị trôi tuột đi không để lại vết bẩn nào. “Điều
đó thật đáng giá,” một đồng nghiệp thốt lên.
Natalie gật đầu, mặt lộ nét rạng rỡ. “Đối với chúng tôi, điều này
mang lại cảm giác như được đi chơi thư thả trong một ngày nắng đẹp
vậy.” Cô ấy đang đùa, nhưng cảm xúc đó là thật, một điều tích cực. Sự
hân hoan của cô ấy khi làm khoa học giống như tăm rượu đang sủi lên
vậy, lóng lánh và rất khó kìm nén. Tất cả chúng ta đều nên yêu nghề
của mình nhiều như thế.
Ý tưởng về lớp phủ siêu kháng bám dính đến từ đặc tính không dính
nước của lá cây hoa súng. Bề mặt lá hoa súng khi nhìn dưới kính hiển
vi điện tử giống như một tấm thảm với nhiều núm, mỗi núm lại được
phủ bằng những núm nhỏ hơn có kích thước nano được cấu tạo từ
những tinh thể giống như sáp. (Bản thân sáp nến là một chất liệu
chống thấm cho vải rất tốt, tuy nhiên nó quá dễ bắt lửa nên không thể
sử dụng vào mục đích quân sự.) Những núm và đỉnh nhỏ xíu này làm
giảm sự tiếp xúc và tương tác giữa bề mặt vải và chất lỏng bất kỳ rót
lên nó. Lớp phủ cũng làm cho bề mặt vải có sức căng ổn định hơn,
một lần nữa làm giảm tương tác giữa vải và chất lỏng.
Dù ứng dụng phổ biến trên quần áo của lớp phủ “siêu róc nước” này
chủ yếu tập trung vào tính chống bám bẩn của nó - “đồ lót tự làm
sạch” là khái niệm mà Accetta cố gắng nhồi vào đầu tôi - ứng dụng
quan trọng hơn của lớp phủ này là tạo ra lớp bảo vệ trước vũ khí hóa
sinh. Loại quần áo đầu tiên sử dụng công nghệ mới này sẽ là áo trùm
và quần: một bộ đồ chống chất độc sinh/hóa. Những loại quần áo dạng
này còn được bổ sung thêm một lớp carbon hoạt tính (còn được gọi là
than hoạt tính) để khử các chất hữu cơ độc hại. Tính chống bám dính
cao của lớp phủ sẽ giúp giảm độ dày của lớp này; nếu như 95% của
thứ rót lên vải nhanh chóng rơi ngay khỏi nó, thì sẽ cần ít carbon hoạt
tính hơn để khử chất độc. Đây là một ưu điểm vì bộ quần áo có lớp
carbon hoạt tính quá dày sẽ rất nóng và không thoải mái khi mặc. Như
vậy chẳng khác nào mặc cả một bộ lọc không khí lên người. Với quần