xúc: “Cô sẽ không bao giờ cứu được tàu Buttercup.”) Với giọng đều
đều và kiềm chế thường thấy ở các bản báo cáo và tường thuật lại sự
việc, Savadkin kết luận: “Lúc ấy, trong tàu rất hỗn độn.”
Trong những kịch bản cực đoan như thế, thủy thủ đoàn sẽ bỏ qua
những miếng vá hay các nút chêm mà tiến thẳng tới những cánh cửa
kín nước. Thứ phân chia ba hay bốn khoang kín nước trong một chiếc
tàu ngầm là những chiếc nắp dày hình tròn, có hình dáng và khả năng
chống xuyên phá tốt hơn hẳn cửa máy giặt cửa trước nhưng kém hơn
cửa an toàn hầm ngân hàng. Bên ngoài cánh cửa này có thể bị ngập
đầy nước, nhưng nước ngập sẽ bị chặn lại ở đó. Phụ thuộc vào lượng
nước biển đã choán chỗ trong tàu, người ta có thể phát lệnh “thổi khẩn
cấp”. Một luồng khí nén sẽ thổi sạch nước ra khỏi khoang chứa nước
của tàu như phương pháp Heimlich xốc ngược từ phía sau đối với
người bị đuối nước. Người ta hy vọng việc làm nhẹ và thổi rỗng con
tàu xấu số này sẽ thắng được trọng lượng của nước ngập bên trong tàu
và giúp nó nổi lên trên mặt nước.
“Nếu không tạo ra đủ khoảng không chứa khí trong tàu, tàu sẽ
chìm.” Jerry Lamb đã nói vậy. Anh là giám đốc kỹ thuật tại Phòng thí
nghiệm Nghiên cứu Y tế Tàu ngầm Hải quân (NSMRL), nằm cách
khu Huấn luyện Kiểm soát Thiệt hại vài khối nhà. Tôi đã chia tay
Alan Hough cùng với những thủy thủ ướt sũng của anh để gặp Lamb
và một trong những đồng nghiệp của anh đến từ Hải quân Hoàng gia
Anh, Trung tá quân y John Clarke. Cả hai đều là những người thành
thạo quy trình kiểm soát thiệt hại: thoát hiểm và cứu nạn trong tàu
ngầm.
Lamb rót cà phê cho tôi, còn Clarke đi tìm sữa. Một phút sau anh
quay lại, liếc mắt nhìn hạn sử dụng. “20 tháng Một. Vẫn còn dùng
được.”
“Năm nào?” Jerry Lamb hỏi. Anh vốn là người lạc quan và khôi
hài, khí chất vui tươi của anh chỉ mới mòn đi đôi chút sau hai mươi
lăm năm phục vụ trong Hải quân. Quân chủng Hải quân: nhân lực