máy đo độ sâu và thông bể phốt. “Tôi sẽ có ba tiếng để ngủ tối nay
còn đêm mai thì thức trắng,” - một chàng thủy thủ nghệt mặt ra nói.
Anh ta đang phải học về hệ thống lặn thủy lực trong màn khói thuốc
mờ ảo phả ra từ đám lính mới đang ngồi thư giãn trên tàu Tennessee.
(Giữa những người đang hút thuốc lá điện tử, chơi trò chơi về thảm
họa xác sống, cùng một số người đang hăng máu chơi bi lắc thì đây
đúng là một chỗ quá tệ để học. Hoặc chỉ là do anh ta đã ở tuổi trung
niên.)
Anh chàng sẽ nói với bạn là anh ta vẫn ổn, nhưng Belenky biết chắc
là không phải vậy. Khi một người nào đó ngủ ít hơn bốn tiếng mỗi
đêm, họ không thể ổn định tâm lý được. Năng lực của họ sẽ tiếp tục bị
bào mòn cho đến khi họ rơi vào trạng thái mà những nhà nghiên cứu
giấc ngủ đã phải tìm ra các thuật ngữ đặc biệt để gọi, như là “sự mất
bù ở mức thảm họa”. “Nói đơn giản, việc không ngủ đủ mỗi ngày liên
tục trong một thời gian dài sẽ khiến cơ thể rã rời, trong nhiều ngày, lờ
đờ như say rượu” - trong Ghi chép khả năng tác chiến, những từ này
được viết sin sít, in đậm nghiêng và gạch chân.
Giống như say rượu, việc thiếu ngủ kinh niên nguy hiểm gấp đôi vì
người bệnh không thể biết được trạng thái thương tổn của mình. Jeff
Dyche, nhà tâm lý học có đôi lần tiến hành nghiên cứu tại NSMRL,
bây giờ đang cộng tác với Đại học James Madison, kể cho tôi nghe về
một nghiên cứu chỉ ra rằng những người ngủ sáu tiếng mỗi đêm trong
hai tuần thì khả năng nhận thức bị suy giảm tương đương với những
người thức liên tục suốt 48 tiếng. Không giống như những người thức
trắng đêm, những người quen ngủ sáu tiếng mỗi đêm không thấy mình
phải cẩn trọng. Họ chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi, và lâu dần nó trở thành
chuyện thường, Dyche nói. “Họ giống như, ‘A, tôi đã quen với nó
rồi’.” Tôi đã nghe thấy điều này rất nhiều lần trong hai ngày qua. “Tôi
ngủ chỉ bốn tiếng rưỡi và nói chung tôi vẫn ổn trong 24 tiếng,” một
thủy thủ đã nói vậy lúc đang đổ rác vào trong một máy nén thông
thường, thứ rất dễ nghiến vào thịt và xương đốt ngón tay.