nhau bằng cách thay đổi giờ làm việc của họ, mỗi nhóm sẽ bắt đầu
ngày mới ở thời điểm khác nhau.
Đầu năm 1949, ba chiếc tàu ngầm, Corsair, Toro và Tusk, đã cho
phép Kleitman tiến hành một thử nghiệm kéo dài hai tuần. Kết thúc
đợt thử nghiệm, ông phỏng vấn các thủy thủ. Câu hỏi cuối cùng là
“Liệu có nên dùng thời gian biểu mới thay thế cái cũ không?” 19 thủy
thủ nói có trong khi 143 người nói KHÔNG. Điều gì đã xảy ra? Sự
thiếu hụt nhân lực khủng khiếp trong nhà ăn. Thay vì phải nấu và dọn
dẹp phục vụ một bữa sáng, một bữa trưa và một bữa tối mỗi hai tư giờ,
nhóm phục vụ nhà ăn đã phải làm mỗi bữa ba lần để phục vụ giờ thức
dậy khác nhau trong mỗi “ngày” của mỗi nhóm trực gác khác nhau.
Các đầu bếp kiệt sức và cáu gắt. Nhà ăn biến thành một chốn bừa bộn
- “Chưa lúc nào sạch sẽ và thông thoáng trong khoảng hơn một tiếng
rưỡi”, khiến mỗi bữa ăn đều “có mùi của bữa trước đó, và nhà bếp bốc
mùi đồ ăn thừa để lâu”. Và vì nhà ăn trên tàu cũng kiêm luôn chức
năng của phòng sinh hoạt giải trí, phim ảnh không còn được trình
chiếu nữa. “Các hoạt động giải trí bị cắt bớt đến mức để giải trí thủy
thủ đi lang thang quanh tàu cố gắng để không làm phiền người khác.”
Bạn bè không được bố trí làm cùng “múi giờ” bị tách biệt khỏi nhau.
“Người ta thấy thử nghiệm lịch trực gác này bất khả thi và không
mong kéo dài nó thêm nữa,” bản ghi chép cuối cùng trong tập tài liệu
nghiên cứu về tàu ngầm của Nathaniel Kleitman kết luận.
Có một số người trong Lực lượng Tàu ngầm tin rằng thời gian biểu
trực gác của Kleitman đáng ra nên được tiến hành thử nghiệm hoàn
chỉnh hơn với lịch sinh hoạt ở nhà ăn và thời gian giải trí được điều
chỉnh. Một sĩ quan điều hành đổ cho “sự bướng bỉnh của các thủy
thủ”, rằng “họ ghét phải thử những thứ mới mẻ”. Và có thể không phải
tình cờ mà những câu ngạn ngữ như “đừng lắc thuyền” hay “đừng tạo
sóng” lại có yếu tố hàng hải trong đó.
Viên sĩ quan này có thể đã đúng. Thời gian biểu của Kleitman dựa
trên nền tảng khoa học. Ánh sáng mặt trời chính là thứ có khả năng