Thirty hay điệu nhảy Bunny Hop. Tôi nghĩ tới cảnh các sĩ quan đang
trở lại sau khi dùng bữa trưa và huých hỏi nhau: “Chuyện quái gì đang
diễn ra ngoài đó vậy?”
“Đám chuyên gia âm thanh đấy.”
Nhiệm vụ kết thúc ở gần phòng học. Chúng tôi nộp lại trang thiết bị
và đi vào trong phòng học tham gia phần phỏng vấn với lính đặc
nhiệm. Họ ngồi trên những chiếc ghế văn phòng không mấy ăn nhập
với nhau thành một hàng ở gần bục. “Có bao nhiêu người trong số các
anh,” câu hỏi đầu tiên được đưa ra, “bị giảm thính lực?” Tất cả mười
hai người đều giơ tay. Trong một nghiên cứu (trước khi TCAPS được
đưa vào sử dụng), lính đặc nhiệm bị suy giảm thính lực chiếm tỉ lệ cao
nhất trong quân đội. Cả trong huấn luyện và thực chiến, họ đều phải
chịu đựng các tiếng nổ và tiếng pháo lớn có cường độ cao lâu hơn mức
trung bình. Tính cách của họ thường rất ồn ào, hoặc rất trầm lặng.
“Tôi không hiểu,” một giọng nói từ hàng ghế dưới vang lên. “Là
một chuyên gia về thính giác, tôi chưa từng thấy ai đến phòng khám
của tôi và nói ‘Chúa ơi, tôi không thể nghe! Tôi gặp tai nạn và bây giờ
nghe kém quá.’”
Người ở ghế số 8 giải thích: “Họ đều muốn quay lại chiến trường và
làm nhiệm vụ.” Nếu bài kiểm tra khả năng nghe cho thấy thính giác bị
mất vượt quá ngưỡng quy định, họ sẽ bị xếp loại không phù hợp ra
trận hoặc cần phải xin giấy phép để được đặc cách. Họ đều là những
người lính yêu thích công việc của mình. Họ tránh gặp các nhà thính
học với cùng lý do như họ tránh gặp bác sĩ.
“Tôi không muốn phải thôi công việc mình đang làm,” người ngồi
ghế số 3 tán đồng. “Khi tôi làm các bài kiểm tra đó… Có thể nói sao
nhỉ? Tôi muốn mình đạt yêu cầu. Nên tôi sẽ nói ‘Ờm, tôi nghĩ là mình
nghe thấy’.” Kẻ gian lận!
Sao nữa? Họ là lính đặc nhiệm. Ôi trời, tôi không thể nghe thấy gì!
không phải là thứ sẽ có trong kịch bản. Khi cuộc đụng độ xảy ra, hơn
50% khả năng là một thành viên của đội sẽ bị thương hoặc thiệt mạng.