“Hoại tử nghĩa là chết,” Cooney giải thích, “Các bác sĩ phẫu thuật
không thích dùng từ chết.”
Và dù không có hoại tử, phần cơ thể được ghép cũng mang hơi
hướm của sự chết. Tuy không hẳn là chết, nhưng hồi phục rất chậm.
Bạn có thể tưởng tượng được bệnh nhân sẽ khó chịu thế nào rồi đấy.
Với các nội tạng như thận hay phổi, các hệ quả về tâm lý nhìn chung
khá nhẹ: khuất mắt trông coi. “Tuy nhiên thật chẳng dễ gì thoải mái
khi sử dụng và nhìn thấy… tay của người đã chết, hay nhìn vào gương
và thấy khuôn mặt người đã chết,” bác sĩ phẫu thuật Jean-Michel
Dubernard, người đầu tiên cấy ghép tay thành công đã viết như vậy -
bàn tay ấy sau đã được tháo bỏ do bệnh nhân tin rằng nó là tay quỷ.
(Bàn tay bị viêm tấy và sưng vù, dù không phải do quỷ dữ gây ra.
Người được ghép đã ngừng uống thuốc ức chế miễn dịch.)
Trải nghiệm của Cooney lại khác. “Người ta thực sự nghĩ rằng sau
khi ghép bàn tay và mặt, sự chuyển biến tâm lý” - quá trình làm quen
với phần cơ thể của người khác về mặt tâm lý - “sẽ là một vấn đề”.
Không phải thế. “Tôi nhận ra đây hoàn toàn chỉ là tính cao ngạo của
cá nhân nào đó: chị và tôi đều có hai bàn tay, nên ta sẽ cảm thấy thiếu
tự nhiên nếu có thêm bàn tay khác. Nhưng mất một bàn tay còn thiếu
tự nhiên hơn.” Sau sáu ca ghép tay mà nhóm của anh đã thực hiện,
Cooney thấy rằng ngay khi người bệnh tỉnh dậy, dù vẫn chưa thể cảm
nhận hay thậm chí chưa nhìn thấy bàn tay mới, họ cảm thấy nó chính
là tay của họ. Điều này cũng đúng ngay cả trong các trường hợp bàn
tay ghép là do một người thuộc giới tính khác hay màu da hơi khác
hiến tặng.
Việc nhận da mặt của một người lạ cũng không khủng khiếp như
những gì người ta tưởng tượng, vì không có khuôn mặt còn kinh
khủng hơn. “Các bệnh nhân nói, ‘tôi chả quan tâm mình nhận khuôn
mặt của ai,’” Cooney nói. “Có mặt mới là con người. Không có mặt
chẳng khác nào một con quái vật nào đó trên phim.”