tiểu nhị trên lầu cũng khó mà ngăn nổi, ấy vậy mà vừa mở miệng đã
dứt khoát nói ra chữ “chịu”, đủ để biết lòng dạ hắn lỗi lạc, không
bắt nạt kẻ bình dân. Đang muốn cất lời thế đại hán trả tiền
rượu, lại sợ đường đột tráng sĩ, bỗng nghe Tam Nương hô “Tiểu nhị”,
tiểu nhị vội vàng thừa cơ quay lại, Tam Nương chỉ nhàn nhạt nói:
“Tặng đi!”
Tiểu nhị còn đang ngập ngừng, Tam Nương đã cười khẽ: “Ghi vào
cho ta.” Nói rồi nàng và đại hán nọ bốn mắt nhìn nhau, trong
mắt nàng có ý cười, còn trong mắt đại hán kia lại là một vẻ lạnh lẽo
như băng, chẳng vương chút ý cảm tạ. Tiểu nhị thấy có người trả
tiền, cuống quýt đi ngay, chẳng bao lâu đã đem rượu lên. Người
trên lầu đều thấy ngạc nhiên, với thương thế như vậy, sao người
nọ vẫn dám uống rượu? Mười lăm cân rượu trắng, chẳng phải có thể
khiến mấy người say chết sao? Thế là mọi người nhất loạt quay
sang nhìn xem đại hán uống ra sao. Lại thấy đại hán đó nhấc tay,
hất đi lớp nắp bùn, đưa mũi ngửi ngửi rồi cười lạnh: “Kêu là rượu
Trần Lương chín năm, nhiều lắm chỉ có bảy năm thôi, xem ra cái
Hảo Đăng lâu này cũng chỉ đến thế này thôi.” Nói rồi, chẳng
buồn để ý tới vò rượu đó mà ôm lấy đứa bé bên cạnh để nó đứng lên
băng ghế. Mọi người giờ mới nhìn rõ đứa trẻ đó. Nó độ bảy, tám tuổi,
mũi nhỏ, mắt nhỏ, khuôn mặt xương xẩu, giống hệt một chú gà con
mới rụng lông mao. Chúng nhân đều hoài nghi thằng bé liệu có
phải bị hán tử kia bắt cóc chăng. Đứa bé bị hán tử kẹp nách đi cả
chặng đường, toàn thân y phục mặt mũi đều là bụi đất, áo quần lại
rách nát, thật y chang một đứa ăn mày. Chỉ thấy mặt nó trắng bệch,
thở không ra hơi. Ánh mắt hán tử kia trở nên lo lắng, do dự một lát,
ánh mắt đảo đi đảo lại giữa đứa bé và vò rượu, sau đó, tựa hồ đã hạ
quyết tâm, bèn nhấc một tay đặt trước ngực đứa bé, ra sức xoa
vuốt một trận, rẻ sườn nho nhỏ trên người đứa bé tựa hồ sắp bị
hắn nắn gãy. Hán tử đó xoa nắn một hồi, sắc mặt đột nhiên trở
nên ảm đạm, còn khuôn mặt đứa bé lại hồng hào hơn, Tam Nương ở