khách, hỏi: “Khách quan muốn chọn bài chăng?”, mà làm gì có ai
còn tâm tư nghe lão nữa, có người thì cho ông cháu một chút tiền, có
người lại chẳng thèm để ý tới, xua xua tay để bọn họ đi khỏi. Lúc tới
bàn của Thẩm Phóng, trong cái làn nho nhỏ trên tay cô bé cũng mới
chỉ có mười mấy đồng. Trong mắt cô bé đã ngân ngấn lệ, oán
giận mà lườm về phía đại hán kia một cái - đều tại hắn, làm cả một
buổi sáng kể chuyện thành công cốc rồi. Chỉ nghe lão mù khàn
giọng hỏi: “Khách quan, chọn một khúc đi!” Lời nói tràn ngập ý van
nài. Thẩm Phóng thấy hai ông cháu ăn mặc phong phanh, mùa thu
tháng Chín thế này, trên người cô bé vẫn chỉ mặc độc áo đơn quần
chiếc mỏng manh. Hai người nói khẩu âm vùng Sơn Đông, hẳn là
nạn dân từ phương bắc lưu lạc xuống, nghĩ rồi trong lòng không
khỏi cảm thấy buồn rầu, liền quay sang Tam Nương gật gật đầu,
ý rằng muốn Tam Nương quan tâm. Tiểu cô nương cũng nhìn ra
phu phụ hai người tướng mạo thiện lương, dường như biết cơm ăn
ngày hôm nay xem như có cửa kiếm rồi, rụt rè hỏi: “Khách quan
muốn nghe gì?”
Tam Nương hỏi: “Cô bé hát được bài gì?”
Thẩm Phóng ngớ ra, không nghĩ Tam Nương thật sự muốn nghe
cô bé ấy hát. Tiểu cô nương nói: “Chỉ một vài tiểu khúc thôi ạ!”
Tam Nương cười nói: “Thế thì tự chọn bài nào ngươi thích mà hát
đi.”
Tiểu cô nương ngẫm nghĩ một chút rồi nói với ông mình một
tiếng, lão mù liền cầm hồ cầm lên kéo. Đàn đã cũ lắm rồi,
thanh âm có chút lạc điệu, giọng của tiểu cô nương hóa ra lại hay, chỉ
thấy cô bé thoáng nghĩ, đợi hồ cầm dạo xong liền uyển chuyển
cất tiếng ca, hóa ra là một bài ca dao cũ của Lạc Dương, khẩu âm
không được thuần, hẳn là học trên đường chạy nạn: