Xuân đi nhé, từ biệt miền Lạc thành! Liễu mềm gió lay tựa tay
áo vẫy đưa, bụi lan sương đẫm như khăn ướt lệ từ biệt, một mình
sầu nặng mi
.
Lời ca kể về phong cảnh Lạc Dương, trong số người ngồi trên
lầu cũng có nhiều người vốn ở Giang Bắc, nhớ lại Lạc Dương nơi
kinh đô cũ miền Trung Châu, mẫu đơn khắp chốn, phồn hoa
nhất thiên hạ, đường lớn tấp nập, dòng người không dứt, nhưng nay
lại lọt vào tay người Kim, không kìm được nhẹ buông tiếng thở dài.
Hán tử nọ ngồi bên kia cũng khe khẽ than dài. Tiếng ca của cô bé
trong như ngọc, hát liền ba nhịp rồi mới ngừng. Quê gốc của Tam
Nương Tử ở Giang Bắc, nghe hát mà nhớ việc cũ, mãi sau mới sực
tỉnh, lấy trong túi áo mấy chục đồng, đưa cả cho tiểu cô nương nọ,
cô bé cảm tạ, đang định rời đi, Tam Nương Tử chợt nghĩ ra cái gì,
bỗng vẫy tay gọi cô bé trở lại.
Tiểu cô nương ngẩn ra, bước tới gần, chỉ thấy Tam Nương nâng
mặt cô bé, ngắm nghía một chập, nhẹ nhàng ve vuốt rồi lắc đầu,
nói: “Năm ấy tuổi ta cũng độ này...” Nói rồi than khẽ, tựa như hồi
tưởng chuyện cũ thương tâm, sau đó rút cây thoa cài trên đầu mình,
vén tóc mai cô bé, dịu dàng hỏi: “Mẹ cháu đâu?”
Cô bé lắc lắc đầu, Tam Nương Tử liền biết quá nửa là đã
chết rồi. Trầm ngâm một lúc, than rằng: “Cũng là người mệnh
khổ”, nói rồi đưa cây thoa gỗ vừa rút trên đầu xuống cài lên tóc
tiểu cô nương, nói: “Thấy đầu tóc cháu lộn xộn, ta cho cháu cây
thoa này, tuy nó không đáng tiền nhưng vẫn có chút hữu dụng, chớ
có tùy tiện vứt đi!”
Cây thoa ấy nhìn không ra là loại gỗ gì, chỉ là được dùng rất lâu
rồi, khá sáng bóng, hình dạng cũng rất phổ thông, ấy vậy mà Tam
Nương lại cực kỳ nâng niu. Thẩm Phóng không khỏi thấy hơi kỳ
quái: Một cây thoa gỗ thì có đáng là bao? Tam Nương trước nay là