Giọng lão mang khẩu âm Hoài Bắc, thô khàn già nua, dùng để
ngâm thơ chưa hẳn đã hợp nhưng lại hợp với nét mặt lão. Bài thơ
viết về Gia Cát Lượng từng ở ẩn tại Long Trung, về sau xuống núi
phò tá Lưu Bị. Tên chữ của ông là Khổng Minh, hậu thế xưng tụng là
Gia Cát Võ Hầu. Từ xưa đến nay có rất nhiều thơ văn vịnh Gia
Cát Võ Hầu, Thẩm Phóng đã đọc qua không biết bao nhiêu mà kể,
nhưng thấy một lão giả không quen việc bút mực lại cẩn thận ngâm
vịnh tác phẩm thuở ấu thơ của một người thì không khỏi ngạc nhiên.
Bài thơ này không được coi là hay nhưng nhìn vẻ mặt của Đỗ Hoài
Sơn, Thẩm Phóng buộc phải thầm ngâm ngợi mấy câu ấy vài lượt.
Chỉ nghe Đỗ Hoài Sơn nói: “Tiên sinh là người cao nhã, chẳng như
hạng võ phu bọn tôi, hẳn là cảm thấy trong bài thơ này còn nhiều
chỗ chưa được thanh nhã. Nhưng hoài bão trong lòng của người làm
thơ, lúc bấy giờ đã có thể thấy đôi chút. Mấy năm nay, một mình
ngài chống đỡ đại cục Hoài Bắc, hô ứng từ xa với Sở Tướng quân ở
Tương Phàn, Lương tiểu ca nhi ở Hà Nam, Dữu Bất Tín ở Tô Bắc,
một mình lo toan điều phối lương thảo, khăn áo cho nghĩa quân
trong thiên hạ, vất vả trù tính, giật gấu vá vai nhưng trước sau
không gục ngã. Người khác có khi không biết nhưng hai lão già tôi
thì biết rõ sự tận tâm, tận sức của ngài. Cũng nhờ có ngài, nghĩa
quân, phản thần, nghiệt tử, cô nhi trong thiên hạ mới có nơi để
hướng về, có đất để yên thân dựng nghiệp, trăm họ ở Hoài Thượng
cũng được nghỉ ngơi dưỡng sức. Sở Tướng quân, Lương tiểu ca nhi và
Dữu Bất Tín có thể nói là nức tiếng thiên hạ, nhưng có mấy người
biết đến Dịch tiên sinh ở Hoài Bắc đây? Ngài cũng không cầu
được người khác biết đến, thậm chí còn sợ người ta biết đến
mình, nhưng mấy năm nay, cái tiếng tăm không cầu mà có, cái
công tích thầm lặng gây dựng nên thật chẳng biết đã bao nhiêu
rồi. Có điều, thiên hạ tự nhiên có người hận ngài, ví như người Kim
ở
phương bắc từng có lời rằng: “Muốn có được Hoài Thượng, trước
phải giết Bôi Tửu”, mà Bôi Tửu chính là ngoại hiệu của Dịch tiên
sinh. Thẩm huynh nói xem, ngài là người thế nào?”