như sợ thiếu niên giật mình thức giấc, cứ để thiếu niên nọ ngủ
ngon giấc. Trong cơn mơ, thiếu niên phát ra vài tiếng vui vẻ.
Mấy ngày sau đó, Lạc Hàn đi rồi dừng, dừng rồi đi, cứ thuận
dòng mà tiến. Lúc đi qua Địch Cảng, thậm chí hắn còn có hứng tới
đền Mễ Công bên sông thăm thú, buồn bực thì liền ngắt một
chiếc lá cuộn thành sáo thổi chơi. Hắn chuyên lựa đường nhỏ mà
đi, càng là nơi gập ghềnh, lầy lội hắn càng thích, may ở chỗ hắn
có vật cưỡi tốt. Có điều, chuyện này lại làm khổ một người... Mấy
ngày nay, từ lúc ở quán rượu của Vu quả phụ, có người một mực ở xa
xa bám theo hắn. Người này giống một ông câu cá, áo quần vải
thô, tay nắm cần câu, người khổ chính là lão. Mà cũng phải, lão so
với người khác không khỏi quá bắt mắt, huống chi đường Lạc Hàn
đi lại chẳng bóng người. Qua được hai ngày, lão già nọ không rõ
kiếm đâu được con thuyền, chèo giữa dòng mà theo Lạc Hàn. Lạc
Hàn làm như hoàn toàn không biết gì, mặc lão đi theo, chầm chậm
đi về phía đông.
Giang Nam đầu đông là một bức họa đã gột sạch màu mè. Trông
con sông nọ, sắc nước trong veo; lại nhìn lúa vụ đông, từng ngọn,
từng ngọn vươn khỏi mặt đất, muốn nói lại ngập ngừng, màu xanh
lục chẳng được liền thành trọn vẹn; còn có bãi cỏ ven bờ cùng cây già
bên sông, thế mới biết ẩn giấu sau cái xán lạn, rực rỡ của mùa
xuân, mùa hè Giang Nam còn có cái phần đìu hiu này nữa. Có khi
trời lác đác mấy giọt mưa, tản mát miên man, nghiêng nghiêng theo
gió, cây cối bên sông liền có thêm một lớp vỏ ẩm ướt, biến thành
sắc đen. Mấy cành khô cứng cáp, hoặc co gập, hoặc xoắn xuýt,
hoặc tán rộng, hoặc chọc xiên, thường bất thình lình ở đầu một
khúc ngoặt đường sông nào đó nhảy vào tầm mắt, ngang như quét,
thẳng như chẻ, uyển chuyển như kiếm ý. Lạc Hàn thích ngắm nhất
chính là mấy thứ này, thường đã dán mắt vào một khúc cành khô là
sẽ dán cả nửa ngày. Phong vị của cây cối tiết đông cùng liễu rủ