triền đê, gió lay ngàn lá ngày xuân khác nhau rất xa. Lạc Hàn thấu
được nó, tựa như hiểu nhau, nhưng niềm vui trong đấy thì không
cách nào truyền đạt bằng lời được.
Người trên thuyền nhìn hắn, thiếu niên tái ngoại giết Đề kỵ,
cướp bạc quan, kết oán với Viên lão đại, mấy việc kinh thiên động
địa đó vào thời khắc này cứ như đều đã bị hắn quăng khỏi đầu.
Chuyện đả thương Viên nhị lúc trước đối với hắn đã là một chuyện
xong rồi, năm sau đấu với Viên lão đại là chuyện còn chưa bắt
đầu, mà hiện tại thì chính là hôm nay. Hôm nay, Lạc Hàn hắn đang
một mình một lạc đà, hành tẩu Giang Nam.
Trên con thuyền giữa sông nọ là một lão già, đầu trần chân
đất, tóc bạc lưa thưa. Lão là Triệu Vô Cực, đường đệ của Triệu Vô
Lượng, trên giang hồ cùng Triệu Vô Lượng hợp xưng là Tông thất
song kỳ, đều thuộc dòng dõi đế vương. Tướng mạo của lão khác rất
xa Triệu Vô Lượng. Tên thật của lão vốn không phải là Vô Cực mà là
Triệu Tượng - như Triệu Vô Lượng, tên thật cũng không phải là Vô
Lượng mà là Triệu Kỷ, hai người đều vì phải lưu lạc giang hồ mà tự
thẹn cho rằng mình là nỗi xấu hổ của tông thất, bèn bỏ tên thật,
lựa dùng danh tự “Vô Lượng đường” và “Vô Cực hiên” trong vương
phủ ở Đông kinh năm xưa làm tên gọi.
Hai má Triệu Vô Cực gầy hóp, dung mạo gầy guộc, không
giống đường huynh Triệu Vô Lượng trông rất trí tuệ, khôn ngoan,
có điều lão được cái thần thái xuất trần. Sở dĩ hai người họ có cái
ngoại hiệu “Tông thất song kỳ danh sĩ thẹn” là bởi vì có được phong
thái ngày trước của bậc anh, bậc chú là hai vua Huy, Khâm, giỏi về
thư pháp. Triệu Vô Lượng thạo về Lệ, Triện, Triệu Vô Cực thì giỏi về
thể Sấu Kim. Kinh lịch của hai người không giống các vương tử
khác, thuở thiếu thời gặp được danh sư, lại thừa hưởng võ học gia
truyền, Tề mi côn, Thái Tổ trường quyền đều là võ kỹ tu tập từ
lúc nhỏ. Cũng nhờ vào một thân võ công này mà họ mới may mắn