không còn ở trong phòng nữa. Trong lòng hiếu kỳ, Cảnh Thương
Hoài ra ngoài xem, thấy Lạc Hàn đang ngồi trên mái nhà, lấy ngói
phòng hứng ánh trăng mà mài thanh đoản kiếm hai thước của mình.
Những đêm sau đó, Cảnh Thương Hoài cảm thấy, có lúc Lạc Hàn
dường như cả đêm không ngủ, hoặc dùng ngón tay, hoặc dùng mu
bàn chân, treo người lủng lẳng trên xà nhà, hoặc trên đại thụ ngoài
cửa, luyện sức eo, sức chân của mình. Cảnh Thương Hoài thấy tư
thế hắn khác lạ, cũng không biết xuất xứ môn công phu này của
hắn, chỉ thầm ngạc nhiên.
Một đường này hai người họ đi về hướng đông. Chưa tới hai ngày,
trên đường đã truyền tới tin Viên lão đại bất mãn với hành vi cướp
tiêu giết quan, đả thương thân đệ hắn của Lạc Hàn, đã dẫn theo thủ
hạ tinh binh tọa trấn Trấn Giang, thế ép Hoài Thượng, bảo nếu
Lạc Hàn không ra sẽ tìm tới người nhận tiêu bạc là Dịch Bôi Tửu đòi
giải thích. Lạc Hàn trước giờ đi đường toàn đi đường nhỏ nơi ven sông
hoặc chỗ đồng hoang, ít người đi lại, mấy lời này đều do Cảnh
Thương Hoài nghe ngóng được. Lạc Hàn nghe xong cũng không nói
gì, chỉ là đi đứng càng lựa chỗ hoang vu hơn, không trọ ở khách điếm
nữa mà trú nhờ trong nhà nông dân nơi thôn nhỏ vắng vẻ. Bởi hắn
lựa đi đường vắng, dọc đường quả thật không gặp nhân vật giang hồ
nào, càng không ai biết được hành tung của bọn họ, chỉ có tiếng
mài kiếm hằng đêm của Lạc Hàn là càng lâu, càng dài.
Mấy ngày nay, giá lạnh ùa xuống nam, gió bấc lạnh căm căm,
Cảnh Thương Hoài cũng cảm thấy áo quần mỏng manh. Đêm đó
nghỉ chân, lúc nửa đêm, Cảnh Thương Hoài liền nghe thấy ngoài
cửa loáng thoáng có tiếng kiếm phong. Mở mắt, liền thấy đèn
dầu cạnh cái sạp của Lạc Hàn vẫn sáng, dưới đèn có một cuốn
Kiếm thức tạp phổ giấy đã ngả vàng, chính là thứ mấy ngày nay
lúc nhàn rỗi Lạc Hàn thường xem. Cảnh Thương Hoài đi tới cửa sổ,
nhìn qua khe cửa ra bên ngoài, chỉ thấy trong sân nhà, giữa gió bấc,