Đứa tớ kia bèn bảo: “Đem nước lên!”
Nàng hẳn đã quen thuộc với Túy Nhan các, người làm quả thật
mang nước tới, trong mắt còn phảng phất vẻ lo lắng cho nàng. Chỉ
thấy Chu Nghiên đặt chậu xuống đất, cúi đầu, từ từ rửa mặt.
Những người ngồi đây đều yên lặng, khắp lầu chỉ nghe tiếng
nàng vốc nước. Nàng còn chưa ngẩng đầu, tiếng động nọ như đã
lay động lòng người. Kế đến, chỉ nghe nàng thở dài một tiếng, từ
từ ngẩng đầu, nhìn lên lầu. Mới rồi son phấn làm nhơ nhan sắc,
mọi người không trông thấy diện mạo thật của nàng, bây giờ nàng
mới hơi ngẩng đầu, lại như toát ra vẻ mệt mỏi khôn tả, mệt mỏi với
việc để nam nhân ngắm nhìn. Mọi người giờ mới thấy dung nhan
như phù dung đượm sương sớm của nàng, trong tòa lầu cổ này, đó
quả là một vẻ tuyệt diễm khó có thể diễn tả bằng lời. Bá Nhan há
hốc miệng, chỉ nghe nàng cất tiếng thở dài, nói: “Thiếp đi thay y
phục”, sau đó cất bước thướt tha đi ra khỏi cửa. Chúng nhân nhìn
theo bóng lưng nàng mà chẳng nói nên lời, tựa như giờ mới hiểu thế
nào là: “Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
”, thế nào là: “Danh
hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan
.”
Chu Nghiên rời đi rất lâu, thúc mấy lần, mãi sau nàng mới trở
lại trong sự kỳ vọng của mọi người. Đầu tiên, chúng nhân chỉ nghe
tiếng nàng xuống ngựa, hẳn là nàng thay y phục trên xe, sau đó có
tiếng ngọc bội “lanh canh”, tuy rất nhỏ nhưng lại khiến ai nấy
phải vểnh tai lắng nghe. Trang sức của Chu Nghiên hẳn không
nhiều nhưng cứ vang lên tiếng “tinh tinh”, lúc ngưng lúc tỏ, người
còn chưa tới, âm thanh đã vang khắp không gian. Chỉ mấy bước từ
cửa viện tới cửa lâu, ngọc bội của nàng đã tạo thành một đoạn nhạc,
tựa như khẽ khàng gõ vào lòng người, nàng nói: “Thiếp đến rồi,
đến rồi đây!”