Lúc Chu Nghiên buông mình nhảy xuống, trong tay nàng nắm
sẵn một con dao gọt hoa quả nhỏ. Nàng biết lầu gác không cao, cho
nên lúc nhảy đã hướng người xuống, lại kề mũi dao ngay ngực, rõ là
đã ôm lòng chết chắc. Mọi người đều chẳng ngờ nàng lại cứng cỏi
đến vậy, chỉ có Đỗ Hoài Sơn là phản ứng nhanh, vừa thấy Chu
Nghiên nhảy xuống đã lập tức nhào tới cứu. Đoạn hành lang chỗ lão
cách chỗ Chu Nghiên phải bốn, năm trượng, Chu Nghiên rơi thẳng
xuống, lão lại bay nghiêng qua, có điều thân thủ của Đỗ Hoài Sơn
cực nhanh, dù tà tà lao tới vẫn bắt kịp lúc nàng còn cách mặt đất ba
thước. Ngoại hiệu của lão là Động Minh thủ, vốn có ánh mắt sắc
bén, giữa không trung đã thấy được trong tay Chu Nghiên cầm dao.
Lão không vội túm lấy người mà vươn tay túm lấy cổ tay nàng
trước, vừa kéo vừa vặn, con dao trong tay nàng liền tuột ra, mũi dao
cắm thẳng xuống, “phụp” một tiếng, ghim xuống sàn gỗ, dao lút
tới cán, đủ thấy nó sắc bén tới mức nào.
Kế đó Đỗ Hoài Sơn mới giữ lấy Chu Nghiên, vững vàng đáp
xuống. Tuổi lão đã cao, đã quá cái tuổi tri thiên mệnh, vốn chẳng
cần để ý tới cái mà thế tục gọi là kiêng kỵ nam nữ, nhưng Chu
Nghiên này quả thật quá xinh đẹp, lúc Đỗ Hoài Sơn đón lấy nàng
bèn bất giác đưa hai tay về phía trước, giữ người nàng ở xa xa, sau
đó nhẹ nhàng đặt nàng xuống đất, bấy giờ nước mắt của Chu
Nghiên mới tuôn rơi. Đỗ Hoài Sơn sống trên đời đã sáu mươi mấy
năm, giờ mới rõ thế nào là lệ má hồng chẳng quản tuế nguyệt, chỉ
nghe nàng lẩm bẩm: “Cớ sao còn cứu thiếp?”
Đỗ Hoài Sơn không tiện đáp, mà cũng không đáp nổi.
Chu Nghiên than rằng: “Thiếp đã là một nữ nhân chẳng ai đoái
hoài. Cuộc đời này thiếp đã sống chán rồi. Thiếp có sống tiếp,
cũng chỉ chịu thêm khuất nhục mà thôi, có còn ý nghĩa gì đâu! Ài...
Chu Nghiên à Chu Nghiên, trần thế nhộn nhạo, toàn là bọn mày
râu bẩn thỉu, chẳng có được người nào có thể bao bọc ngươi.”