Đỗ Hoài Sơn ngẩn người nhìn nàng, tự đáy lòng dâng lên cảm giác
dịu dàng đã lâu không gặp. Trên lầu bỗng vang lên một tràng hoan
hô, hóa ra thấy lão một thân già cả, suy yếu mà lại phóng mình vút
đi, cứu người thành công, thân thủ nhanh nhẹn hơn đứt đám thiếu
niên, đám người Kim ở dãy hành lang phía bắc tuy trước nay vẫn
xem thường người Nam triều cũng vỗ tay tán thưởng. Đỗ Hoài Sơn
không tìm được lời nào để an ủi, cảm thấy không nên tiếp tục lưu lại
bên cạnh Chu Nghiên. Trong lòng lão cũng thầm thẹn, từ lúc thê tử
của lão qua đời, lão vẫn luôn nhìn hồng nhan như xương khô, lòng
chẳng dấy ý niệm nam nữ đã hơn hai chục năm, nhưng khi cứu Chu
Nghiên, lão không kìm được hai tay nâng đỡ, rõ ràng đã động lòng
nam nữ, bây giờ dưới ánh mắt bao nhiêu người lại cảm thấy không
tiện lưu lại bên cạnh Chu Nghiên, thế là do đâu? Thoáng ngẫm, mặt
đỏ lên, lão nghĩ: Đỗ Hoài Sơn à Đỗ Hoài Sơn, thật uổng cho ngươi
chăm chỉ tu luyện Động Minh thủ hơn ba chục năm! Liếc mắt nhìn
sang, thấy Chu Nghiên tuy đang rơi lệ nhưng phong thái không loạn,
vẻ đẹp đó của nàng thật khiến người ta kính nể, Đỗ Hoài Sơn thầm
than trong lòng, tự nhủ: Người như thế, vốn không nên sinh trong
cõi người. Lão nhặt cây đàn tỳ bà Chu Nghiên thả rơi lúc trước, thấy
đuôi đàn cùng trụ căng dây đã nứt vỡ.
Lão xoay mình đưa cây đàn cho Chu Nghiên, khẽ nói: “Cô nương
hãy bảo trọng, nghe một câu của lão hủ, đời người dài lắm, dù sao
cũng chớ nên nghĩ quẩn nữa!” Rồi lão xoay người lên lầu, biết
hành động này của mình chẳng phải là vì giếng cũ sóng không gợn,
mà là để tránh né vẻ mỹ diễm tỏa ra bốn phía của nữ tử kia.
Ánh mắt từ bốn phương nhất thời tụ lại trên người Chu Nghiên
ở
dưới lầu, chỉ thấy nước mắt nàng không ngừng rơi, người gập
xuống, ngồi bệt dưới đất. Sau một lần tìm tới cái chết, nàng như
đã quên đi ý muốn tự tuyệt, ôm cây đàn tỳ bà tựa người bằng hữu
đã bầu bạn với mình cả đời vào lòng, ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không rõ