Anh ngập ngừng vì chợt nhớ ra một sự thật : tuy đồng hương với nhau
nhưng giữa anh và bác sĩ này đã có một hố sâu ngăn cách về mặt xã hội.
Coleman nghĩ tới điều ấy. Bộ óc của anh phát ra một lời cảnh giác : hãy
ý tứ khi kết thân với cấp dưới, ngay cả với những người như anh bạn này.
Anh lý luận : không phải trịch thượng đâu, đó chỉ là nguyên tắc bệnh viện
và là thường tình ở đời.
Anh nói lớn :
- À, tôi sắp phải làm việc vất vả rồi đây. Ta tạm dừng ở đây nhé , để xem
qua công việc ở đây thế nào.
Lời nói của anh vang lên trống rỗng và giả dối. Anh nghĩ thầm: “Lẽ ra
mình có thể làm cho anh ta thất vọng một cách nhẹ nhàng hơn. Anh bạn ơi,
anh vẫn không thay đổi, không thay đổi một chút nào”.
*
Trong khoảnh khắc Harry Tomaselli thầm mong bà Straughan lui về khu
như bếp và ở luôn tại đó. Nhưng ông kịp kiềm chế mình : một người trưởng
ban cấp dưỡng tốt như viên ngọc quí. đáng trân trọng. Mà bà Straughan là
người tốt không chê vào đâu được - ông quản trị viên đã quá rõ điều ấy.
Nhưng lắm lúc ông tự hỏi có bao giờ bà Hilda Straughan nghĩ đến bệnh
viện Three Counties như một tổng thể thống nhất hay không. Hầu như mỗi
lần nói chuyện với bà ta ông đều có cảm tưởng rằng trái tim của bệnh viện
là khu nhà bếp. Từ đó phát tỏa ra những cơ sở kém quan trọng hơn. Nhưng
vốn là người rất mực công bằng, ông suy nghĩ và cho rằng thái độ ấy
thường có ở những con người thiết tha với bổn phận. Nếu như coi đó là một
thói xấu thì ông đánh giá nó còn cao hơn những thói trễ nãi và thờ ơ. Chưa
hết : người đứng đầu siêng năng của bất cứ đơn vị nào cũng cần hăng say
đấu tranh và bênh vực cho những điều mà họ tin tuởng. Bà Straughan là
người đấu tranh và bênh vực cho từng tấc đất của mình. Lúc này thân thể
đồ sộ của bà choáng đầy ứ một chiếc ghế trong văn phòng quản trị. Bà đang
đấu tranh quyết liệt .
- Thưa ông T. , chẳng biết ông có nhận ra tầm quan trọng của vấn đề này
chăng? - bà Straughan luôn luôn dùng chữ cái đầu để gọi tên những người
quen biết. Bà luôn gọi chồng là ông “S”.