Những khuẩn lạc màu hồng tươi được loại bỏ ngay vì không chứa vi
khuẩn thương hàn. Những khuẩn lạc không màu hay trắng xám, rất có thể
là nơi ẩn náu của vi khuẩn thương hàn được lấy ra, chia nhỏ thành các mẫu
nuôi cấy ngưng kết trong mười ống nghiệm có môi trường đường thể lỏng,
mỗi ống nghiệm còn chứa một chất phản ứng khác nhau. Chính những chất
phản ứng này sau một thời gian nữa trong tủ ấm, sẽ cho biết mẫu phân nào
mang vi trùng thương hàn truyền nhiễm hung hãn.
Lúc này, vào ngày thứ bốn, tất cả các mẫu phân đã có mặt tại phòng xét
nghiệm. Đây là phân của các nhân viên bệnh viện dù ít dù nhiều có liên
quan với việc tiếp nhận, chế biến và phân phối thực phẩm. Việc gia công
các mẫu phân này phải đến sáng ngày mai mới hoàn tất. Lúc này, 280 mẫu
nuôi cấy ngưng kết mà Alexander nói đến được xếp vào những chiếc giá ở
khắp phòng và trong tủ ấm. Mặc dù nhiều mẫu trong số này đã được kiểm
tra kết thúc, những chưa thấy lộ ra kẻ gieo bệnh thương hàn mà họ đang
ngày đêm tìm kiếm một cách cần cù và lo lắng.
Chuông điện thoại reo vang trên tường. Pearson, ở gần máy nhất, bước
đến nghe.
- Tôi nghe đây... Chưa, vẫn chưa có gì. Dặn hoài rồi, hễ tìm ra là tôi báo
ngay mà - Nói xong, ông gác máy.
John Alexander, không cưỡng nỗi sự mệt mỏi bất ngờ, cố viết thêm một
chi tiết vào phiếu ghi rồi gieo mình xuống một chiếc ghế lưng thẳng. Anh
nhắm mắt lại một lúc để hưởng sự thư giãn giữa cơn bải hoải bất ngờ.
Tiếng David Coleman vang lên bên cạnh :
- John , sao anh không nghỉ đi một hai giờ, có thể lên lầu thăm vợ anh
một lát !
- Có lẽ tôi làm thêm một lô nữa rồi sẽ đi. Anh nhấc một chiếc giá đựng
ống nghiệm nuôi cấy ra khỏi tủ ấm, rút thêm một tờ phiếu xét nghiệm và
bắt đầu xếp mười ống nghiệm thành một hàng thẳng để kiểm tra.
Liếc nhìn đồng hồ trên tường, anh ngạc nhiên vì thấy rằng một ngày nữa
đang qua nhanh. Lúc này là mười bảy giờ kém năm.
Kent O’Donnell gác máy điện thoại. Không đợi Harry Tomaselli hỏi, anh
trả lời trước :