- Vâng, nếu không làm phiền bác sĩ quá.
Pearson quay sang Bannister :
- Xem ông ấy có ở đấy không ?
Bannister nhấc máy điện thoại,xin nối dây rồi nói :
- Có mặt.
Ông trao điện thoại cho Pearson. Hai tay mang găng lấm lem, ông cụ lắc
đầu một cách khó chịu:
- Giữ lấy! Giữ lấy!
Bannister bước tới áp máy vào tai Pearson. Nhà bệnh lý học nói oang
oang vào ống nói :
- Charlie đó hả ? Có bệnh nhân cho ông đây.
Trên văn phòng cách đó ba tầng lầu, bác sĩ Charlie Dornberger mỉm cười
và đưa ống nghe ra khỏi tai một chút.
- Bệnh nhân của ông thì khoa phụ sản giúp gì được nào ? Dornberger
chợt nhận ra rằng cú điện thoại này có thể là một cơ hội bất ngờ. Từ sau
buổi họp với O’Donnell ngày hôm trước, ông cứ miên man suy nghĩ tìm
cách thức tốt nhất để nói chuyện với Joe Pearson.
Dưới khoa xét nghiệm Pearson đẩy điếu xì gà lệch sang khóe miệng.
Ông rất thích nói chuyện với Dornberger.
- Không phải bệnh nhân chết toi đâu, ông bạn ngốc ạ.
Một bệnh nhân còn sống hẳn hòi, vợ một tay trẻ ở chỗ tôi - bà John
Alexander. Họ mới đến thành phố, chả quen ai.
Nghe nhắc đến tên bệnh nhân, Dornberger mở ngăn kéo hồ sơ lấy ra một
tấm phiếu trắng.
- Khoan đã - Ông kẹp ông nghe bằng vai, tay trái giữ phiếu, tay phải nắn
nót viết thật đẹp : “Bà John Alexander”. Bao giờ ông cũng ghi tên bệnh
nhân trước tiên, đó là điển hình cho thói quen làm việc có tổ chức. Ông nói
tiếp : Joe, rất hân hạnh! Bảo họ cứ gọi điện cho tôi để sắp đặt trước.
- Xong ngay. Nội tuần sau thôi, bà Alexander chưa đến kịp - ông nhoẻn
miệng cười với Alexander rồi nói như hét :
- Charlie này, họ có muốn sinh đôi thì ông cũng phải cố mà giúp cho
bằng được đấy nhé.