cả, tôi chỉ hay làm quá lên thôi. Cứ mỗi lần tôi gọi với ra cầu cứu, tôi lại
thấy như tôi đang làm phiền mọi người và thà tôi ngồi đây chịu cơn co giật,
mồ hôi lạnh toát còn hơn là điện thoại rủ bạn đi cà phê. Tôi là một gánh
nặng. Tôi là một gánh nặng quá lớn so với những người xung quanh và
luôn luôn tự hỏi: "Vì sao chúng nó vẫn chơi với mình?" Bạn bè nhờ vả gì,
tôi chìa tay, chìa lưng, chìa tất cả cái gì chìa được ra giúp. Bạn bè cảm ơn
gì, tôi chỉ thầm nghĩ rằng trời ơi, cho tao xin lỗi, cho tao xin lỗi, tao có làm
bao nhiêu cũng không bù đắp được cho những thứ mày sắp phải làm cho
tao đâu. Nó là một sự ích kỷ, là một cách khiến tôi nguôi ngoai, để tôi cảm
thấy rằng ít ra tôi còn có ích phần nào.
Điểm khác nhau duy nhất của tôi và cậu bé chăn cừu kia, đó là lần nào
tôi bảo: "Em/chị/tao chết mất", tôi tin chắc tôi sẽ chết thật. Tôi phát rồ và
suy sụp ít nhất ba lần một tuần, nhưng chẳng có lần nào đỡ hơn lần nào cả.
Bạn nghĩ lâu rồi cũng quen đúng không? Không phải đâu. Trầm cảm hay ở
chỗ đó đó. Mọi người hay bảo là "Rồi mọi chuyện sẽ khá hơn", và đúng
như thế thật, nó có khá hơn, không phải lúc nào nó cũng tồi tệ. Nhưng nó
khá hơn rồi nó sẽ tệ hơn, và nó sẽ tệ nhất, và lần tệ nhất nào cũng là nhất
thật. Bạn không bao giờ quen được với cái cảm giác vực thẳm ấy đâu, mặc
dù bạn biết rằng ngày mai có thể trời lại sáng. Cái sự tệ hại ấy như mây mù
phủ cả lên ngày trời nắng, dẫu không dông tố mịt mù vẫn cứ âm u.
Ngày mai sẽ là một ngày mới. OK, rồi sao nữa?
Tuấn Jun có một lần đã gọi trường hợp này của tôi là: "Lần nào cũng
là lần cuối của lần đấy."